Cảm hứng giải thiêng trong tiểu thuyết Thuyền nghiêng

Là một cây bút nữ chuyên viết truyện ngắn…

(Đọc Thuyền nghiêng-Nxb Quân đội nhân dân, 2011)

Lương Kim Phương

Là một cây bút nữ chuyên viết truyện ngắn của văn chương đất Cảng từ lâu nay, Dương Thị Nhụn đã thử sức mình ở thể loại tiểu thuyết, một thể văn có ưu thế tổng hợp cao nhất bức tranh đời sống, có khả năng “thu hút vào mình những thể loại văn học khác, có khả năng vận dụng cả những thủ pháp của điện ảnh và âm nhạc” (*). Tiểu thuyết hiện đại luôn là thể loại được kì vọng trong khát khao dùng nghệ thuật để khám phá con người là vì vậy. Dấn thân vào tiểu thuyết, lại ở mảng đề tài về cuộc sống nông thôn, về sự sinh tồn của dòng họ là một trở ngại lớn đối với một cây bút nữ vốn đang viết truyện ngắn. Bởi trước đó đã có khá nhiều tác giả ở thời kì đổi mới đã cày xới thành công trên cánh đồng rộng lớn này như Nguyễn Khắc Trường với Mảnh đất lắm người nhiều ma, Dương Hướng với Bến không chồng, Đoàn Lê với Cuốn gia phả để lại, Tạ Duy Anh với Bước qua lời nguyền, Sương Nguyệt Minh trong Nỗi đau dòng họ… Với mong muốn đưa tác phẩm góp thêm một cái nhìn, một thái độ, một cách lí giải về bức tranh nông thôn thời mở cửa đã là những cố gắng của Dương Thị Nhụn. Đặc biệt, cảm hứng chủ đạo chi phối Thuyền nghiêng là cảm hứng “giải thiêng”, “giải trung tâm” mang dáng dấp ít nhiều của tâm thức hiện đại.

Với gần 300 trang, Thuyền nghiêng là câu chuyện về sự phát triển của dòng họ Hoàng, làng Đông Phong với nhiều thân phận chìm nổi khác nhau, nhiều tình huống bi hài, nhiều biến động vừa bất ngờ vừa như được dự báo trước. Một họ Hoàng danh tiếng, nhiều người đỗ đạt cao vậy mà cuối cùng chỉ là một dòng họ mục nát, có kèn cựa ganh đua, hãm hại lẫn nhau.  Lúc nào cũng ở thế bất ổn giữa lo âu và hiểm hoạ, đổ vỡ và nguy biến. Họ phải chấp nhận nghe theo sự sai bảo của những thế lực vượt ngoài ý thức: đồng tiền, thần quyền, vô thần… dù nhiều lần muốn chống đối mà chẳng hiểu vì sao. Ngôi nhà thờ họ xây nên từ những trụ kèo mục ruỗng, ngả nghiêng nhiều phen đòi xoay chiều, đổi hướng như một ẩn ý của nhà văn về sự lụi tàn, đổ vỡ của những giá trị chính thống, sự khủng hoảng niềm tin của con người trong thế giới đương đại.

Thế giới nhân vật hiện lên trong tác phẩm Thuyền nghiêng khá phong phú đa dạng, nhiều tầng lớp khác nhau, đại diện cho một đời sống xã hội hỗn loạn, con người trở nên méo mó, đáng thương, thê thảm. Ở đó, có những anh hùng từng xông pha trận mạc (Vấn, Tấn), có kẻ đại diện cho tầng lớp trí thức cao (tiến sĩ Húng), có kẻ ít học không rõ nghề ngỗng (Tố), có những kẻ lưu manh, thủ đoạn (cha con ông Hình), có kẻ ngớ ngẩn thiểu năng (Vớ), có người đàn bà không rõ tung tích, qua nhiều chung chạ (Hãn). Tôi ngờ rằng Dương Thị Nhụn không có ý định khái quát một bức tranh hiện thực xã hội rộng lớn từ góc nhìn văn hoá làng xã, văn hoá dòng họ mà chủ yếu chị muốn nhìn đời sống xã hội từ cảm hứng giải thiêng. Từng ấy người hiện lên những gương mặt và thân phận khác nhau trên con thuyền đời đầy sóng gió. Lần lượt, họ đều bị lật tẩy những gì là giả trá, che đậy. Những bậc cha chú không thể dạy bảo được đám cháu con, thậm chí bị Tố, kẻ thấp vai, ít học nhưng giàu có điều khiển. Tố lại ngang hàng với những bậc cha chú, thậm chí nắm quyền sinh quyền sát, chỉ đạo cả họ, cả họ phải nghe. Ông Vấn, một tướng lĩnh quân đội về hưu chối từ sự thụ hưởng ưu đãi đáng được nhận về mình để trở về làng quê giữ vai trò cầm cân nảy mực, điều hoà những mâu thuẫn trong làng xã dòng họ nhưng hoá ra chỉ là một ông tướng ngơ ngác giữa đời thường, bị đám cháu con lôi vào không ít phen náo loạn. Bi kịch của Vấn là bi kịch của một kẻ cố gắng duy trì thuần phong mĩ tục, của một người đầy lí tưởng về văn hoá thế nhân mà hoá ra bất lực trước sự suy đồi của nó. Sự ra đi của Vấn phần kết truyện là đỉnh điểm của bi kịch, sự thất bại, cười nhạo vào cái gọi là lí tưởng, ý chí, kinh nghiệm sống. Con người thường cho rằng có ý chí, lí tưởng, kinh nghiệm sống sẽ chiến thắng tất cả, hoá ra chỉ là ảo tưởng. Hình tượng tiến sĩ Húng, một kẻ dở điên dở tỉnh, luôn tự hào mình được tu nghiệp bên trời Tây hoá ra giữa đời thường chỉ là kẻ loạn chữ, ngộ chữ, không kiểm soát được hành vi. Không ít lần tiến sĩ Húng gào thét la ó, tung hoả mù cho mọi người trong mớ chữ nghĩa lổn nhổn rồi bị cười chê là biểu hiện của một kẻ hoang tưởng, lạc lõng giữa cuộc đời. Và chính những kẻ tưởng rất mực trong sáng, hết lòng vì mọi người như anh em Vấn, Húng ấy lại cũng đầy tội lỗi. Sự dối trá của họ đã bị lật tấy qua vong hồn Hải hiện về. Những mưu mô, thủ đoạn của ông Hình, một kẻ có thế lực ở làng Đông Phong cũng bị Vớ bóc trần dù nó không ít lần bị đánh cho bầm dập. Bên trong người đàn ông vâm vấp luôn dùng hai thằng con đại diện cho sức mạnh cơ bắp, sẵn sàng “lấy thịt đè người” là bản chất của kẻ tham lam, bóc lột, dâm đãng, đầy ganh ghét, đố kị tỵ hiềm để rồi cuối cùng phải chết thảm. Còn nhân vật Tố, tiền tiêu như nước, cả dòng họ không ai rõ Tố làm gì để kiếm tiền, buôn ma tuý, trùm đường dây gái gọi hay cầm đầu một băng đảng nhưng được coi  là cứu tinh cho cả dòng họ. Tố đến đâu việc xong tới đó, các bậc huynh trưởng cũng buộc phải gật gù. Nhân vật Tố của Thuyền nghiêng khiến người đọc thấy thấp thoáng hình bóng nhân vật tướng cướp trong truyện ngắn Sang sông của Nguyễn Huy Thiệp. Nếu ở Sang sông, tên cướp vung côn lên đập vỡ cái bình cổ để cứu tay một em bé trước sự kinh ngạc của đám nhà thơ, nhà giáo, nhà sư thì ở đây Tố vung tiền lên xây cả một toà nhà thờ, chỉ đạo cả một dòng họ toàn những người danh tiếng. Như vậy, không quan trọng là lương thiện hay phi pháp, chân chính hay bất chính nữa mà quan trọng là cái sự “Thành”. Nhưng kì lạ thay kể cả nhân vật lúc nào cũng vênh vang, vỗ ngực có tiền là có tất cả ấy cũng bị giải thiêng. Tố vẫn phải cầu luỵ vào tín ngưỡng, tâm linh. Bất ngờ nhất phần kết truyện, chính kẻ cầu lụy vào tâm linh, tìm đến tâm linh mong một sự cứu rỗi ấy cũng bị trừng phạt. Chi tiết chiếc xẻng đâm phập vào làm bay một ống chân Tố trong lúc làm lễ xoay hướng nhà thờ tổ dù là chi tiết lộ rõ sự can thiệp của người viết nhưng càng làm sáng tỏ ý đồ, cảm hứng giải thiêng của tác phẩm. Nếu lí tưởng, tri thức cũng bị bất lực, buông xuôi đã đành, kẻ mạnh bị vô hiệu hoá đã xong thì đồng tiền cũng bị mất sức đề kháng nốt. Đến đây, những thang bảng giá trị đời sống đã bị tê liệt và tiếng cười chế giễu bật lên. Con người trong Thuyền nghiêng hoàn toàn đổ vỡ không còn biết vin bám vào cái gì tốt đẹp dù trong quá khứ, hiện tại hay tương lai.

Hình ảnh làng Đông Phong “như con thuyền nghiêng nằm chơi vơi giữa bốn bề là nước” lặp đi lặp lại nhiều lần như một ám ảnh nghệ thuật. Những câu hỏi không lời đáp vang lên phần cuối truyện: “Làm thế nào để làng tránh khỏi mọi tai ương; làm thế nào để các dòng họ đoàn kết muôn người như một; làm thế nào người ta sống bằng chính những điều tốt đẹp làm nên bản chất người thôn quê? Đình chùa có cân bằng phong thuỷ được hay không, một thủ lĩnh có thể đứng ra để giải quyết các mối bất hoà hay không? Hay cơn bão đi qua, vạn vật sẽ yên bình mà không cần sự tác động của con người?”. Đó là gì nếu như không phải chất giọng hoài nghi, “hoài nghi với những giá trị đã quá ổn định để đi tìm những giá trị mới” (**), nếu không phải là sự mất niềm tin của con người hiện đại. Không biết tin vào cái gì hết: lí tưởng, công danh, học vấn, tiền bạc, tôn giáo. Tất cả không cứu rỗi được con người. Con người cần được nhận thức lại. Đưa ra được cái nhìn về cuộc đời và con người như thế cũng là điều đáng ghi nhận ở Dương Thị Nhụn. Nếu không có ý thức dân chủ cao và tinh thần phản tỉnh để thể hiện thái độ bất tín, chị đã không làm được như vậy.

Trong tiểu thuyết Thuyền nghiêng, cái Đẹp không phải hoàn toàn vắng bóng nhưng khá thưa thớt. Hãn xuất hiện trong câu chuyện như một cơn gió mát làm dịu những bức bối. Người phụ nữ đẹp có thân hình “ngọt như lúa trổ đòng” lại giàu tình người này sau những đắng cay thời niên thiếu vì chịu cảnh con hoang côi cút, sau những năm tháng lăn lộn nơi xứ người, những lầm lạc phải trả giá qua nhiều lần chung đụng với đủ hạng đàn ông, phải sống bản năng theo kiểu hiện sinh bị người làng chê cười là lẳng lơ, đĩ thoã, giờ đã tìm thấy bến đỗ. Bến đỗ của chị là Vớ, một thanh niên ngớ ngẩn, ngốc nghếch như kẻ thiểu năng khiến bao gã đàn ông tỏ vẻ đạo mạo, khôn ngoan ghen tức. Chị cảm hoá Vớ làm chỗ dựa cho mình dẫu chỗ dựa đó không mấy chắc chắn. Đó là cặp đôi duy nhất hạnh phúc trong truyện dẫu đó chỉ là thứ hạnh phúc mong manh với họ chứ chưa chắc đã xoa dịu được mỗi người đọc chúng ta. Làm sao có thể bình an với niềm tin cổ tích pha thứ tín ngưỡng dân gian ấy. Nhưng sự xuất hiện của cặp đôi Vớ – Hãn, những kẻ dưới đáy, bị gạt ngoài lề giờ được đường hoàng, gia nhập trong dòng họ vẫn như muốn cảnh tỉnh rằng: những giá trị ngoại vi, phi chính thống cũng đều cần được thừa nhận.

Đâu đó, cảm hứng giải thiêng đã chi phối Thuyền nghiêng như thế để nhà văn và người đọc tự thấy dường như chỉ còn tồn tại một niềm tin sau cùng: Tin rằng cuộc đời vốn không thể khác.

Giá như, Dương Thị Nhụn đi đến cùng của cảm hứng giải thiêng một cách quyết liệt, và biết tiết chế cảm xúc, dám chơi đến cùng trò chơi ngôn từ của mình thì có lẽ sẽ thành công hơn. Giá như, chị bớt được cái miên man, thiếu chọn lọc của những đoạn đối thoại giữa các nhân vật để gia tăng các dòng độc thoại nội tâm, dòng ý thức, hồi ức để tăng tính khơi mở của người đọc thì sẽ thu phục được bạn đọc hơn. Giá chị công phu hơn cho kĩ thuật viết tiểu thuyết, thậm chí chấp nhận cả mình là người kể chuyện không đáng tin cậy, đừng gắng giải thích, phân bua để đẩy cá tính nhân vật sắc cạnh hơn thì chắc chắn sẽ tạo được dư vang hơn. Song dẫu là vậy, Thuyền nghiêng vẫn cần được đón đọc và khích lệ bởi nó đã kịp thời ghi nhận một hiện trạng tinh thần của con người trong thế giới hôm nay. Đó cũng là nỗ lực đáng quý của Dương Thị Nhụn.

Hải Phòng, những ngày cuối tháng 7/2012

L. K. P

_____________________________

(*)Theo Phan Cự Đệ: Tiểu thuyểt Việt Nam hiện đại, tập 2, nxb Đại học và THCN, 1978, tr 115.

(**) Theo Phùng Gia Thế, trả lời phỏng vấn trên website: vanhoanghean.com.vn. Bài Một cái nhìn thực tiễn về văn chương hậu hiện đại sau 1975.

Bài viết khác

violin amazon amazon greens powder