Cùng Hoài Khánh “Thức với khơi xa” (Đọc tập thơ Thức với khơi xa của Hoài Khánh): Đặng Thị Thúy

Thức với khơi xa (NXB Văn học, 2024) là tập thơ mới nhất của nhà thơ Hoài Khánh, một hành trình trọn vẹn, đầy cảm xúc hướng về biển cả quê hương. Nhà thơ đã chọn biển, một đề tài quen thuộc nhưng cũng đầy thử thách để làm chất liệu cho những sáng tác mang tinh thần yêu nước, lòng tự hào dân tộc và nỗi đau đáu với chủ quyền biển đảo. Tập thơ là minh chứng sống động cho sự sáng tạo, niềm đam mê không ngừng nghỉ của tác giả, dù tuổi tác và sức khỏe đã trở thành những giới hạn.

Tập thơ Thức với khơi xa của Hoài Khánh là một hành trình xuyên qua vẻ đẹp kỳ vĩ của biển cả, nơi nhà thơ hòa mình vào những không gian sóng nước bao la, đồng thời khắc họa rõ nét tình yêu quê hương và lòng tự hào dân tộc. Mỗi bài thơ trong tập đều mang một màu sắc riêng, tạo nên bức tranh đa sắc và sinh động về biển cả, những địa danh gắn liền với biển đảo quê hương riêng, cùng hướng vào chủ đề lớn về biển, những vùng đất ven bờ, và con người giữa đại dương bao la. Xuyên suốt tập thơ là cảm hứng đầy tự hào về biển cả và những con người đang ngày đêm gắn bó với vùng biển trời thiêng liêng của Tổ quốc. Tập thơ không chỉ phản ánh sự kiên cường của người lính hải quân mà còn gợi lên những vẻ đẹp bất tận của biển đảo. Trong hành trình sáng tác tập thơ này, Hoài Khánh đã để lại nhiều bài thơ hay, thấm đẫm tinh thần yêu nước và tình yêu thiên nhiên.

Các bài thơ Lần đầu ra biển, Giữa khơi xa, Biển là thế hay Tháng tư về Hải Phòng đã dựng lên hình ảnh biển cả không chỉ là nơi thiên nhiên hùng vĩ, mà còn là biểu tượng của khát vọng, sự trường tồn và những cảm xúc dạt dào. Từng dòng thơ như những con sóng nhấp nhô, khi dịu êm lắng đọng, khi mãnh liệt ào ạt, thể hiện sâu sắc tâm hồn của thi sĩ trước biển cả.

Tình yêu biển còn gắn liền với những điểm đến đầy sức gợi như Đến Cát Bà để yêu, Về với Hạ Long, Ra biển Đồ Sơn, Chiều Cát Bà…. Những bài thơ này không chỉ tái hiện cảnh sắc tuyệt đẹp mà còn là lời mời gọi khám phá văn hóa, con người nơi biển đảo. Cát Bà, Đồ Sơn hay Hạ Long qua ngòi bút Hoài Khánh trở thành những không gian thấm đượm tình yêu và sự sống, gợi nhắc vẻ đẹp hòa quyện giữa thiên nhiên, trời nước với con người.

Cùng với Cột mốc giữa khơi xa, các bài thơ Lễ thượng cờ trên đảo Cô Tô, Tiếng gọi ở Trường Sa, Chiến sĩ Hải đội 2 Biên phòng Hải Phòng cũng là những bài thơ hướng đến khắc họa tinh thần yêu nước, tự hào dân tộc và lòng biết ơn với những người lính biển. Qua ngôn ngữ giàu cảm xúc, hình ảnh người chiến sĩ hiện lên hiên ngang, vững vàng nơi đầu sóng, ngọn gió, sẵn sàng bảo vệ từng tấc đất, vùng biển thiêng liêng của Tổ quốc, qua đó truyền tải thông điệp về ý chí kiên trung, lòng yêu nước sâu sắc.

Bên cạnh đó, các bài Hương biển, Nếu muốn yêu biển rộng, Tình biển lại mang nét lãng mạn đặc trưng, đan xen giữa tình yêu con người với tình yêu biển cả. Những câu thơ mượt mà đầy sức gợi đưa người đọc đến những khát khao sâu lắng, mộng mơ về sự gắn bó và hòa hợp.

Hoài Khánh không chỉ là người sáng tác, mà còn là một chứng nhân, một người đồng hành cùng biển cả. Sự kết hợp giữa những trải nghiệm cá nhân và sự tưởng tượng phong phú tạo nên chiều sâu cảm xúc trong từng câu chữ.

Trong nhiều bài thơ để lại ấn tượng ở tập này, nổi bật nhất vẫn là bài Cột mốc giữa khơi xa. Bài thơ gợi lên hình ảnh người lính hải quân – biểu tượng của lòng kiên định và ý chí bảo vệ chủ quyền đất nước. Câu thơ “Chúng tôi vẫn vững vàng như cột mốc giữa khơi xa” được viết với sự cô đọng, sắc nét, nhưng hàm chứa một sức mạnh nội tại lớn lao. Hình ảnh “cột mốc” không chỉ là một vật vô tri mà đã hóa thân thành biểu tượng sống, thể hiện sự hiên ngang trước thiên nhiên khắc nghiệt và những hiểm họa từ kẻ thù. Hoài Khánh đã khéo léo sử dụng các biện pháp tu từ như so sánh và nhân hóa, biến những cột mốc thành những con người can trường, khắc sâu thông điệp về lòng yêu nước, tự hào dân tộc. Nhịp điệu thơ chắc khỏe, câu chữ hàm súc, khiến người đọc như nghe được tiếng sóng vỗ và cảm nhận hơi thở mặn mòi từ biển cả.

Hay như ở bài Giữ bình yên miền cửa biển, câu thơ “Chúng tôi canh biển trời Tổ quốc/ Căng tràn nhịp thở đại dương” đã vẽ nên chân dung người lính biên phòng với những công việc thầm lặng nhưng đầy ý nghĩa. Từng câu thơ như những thước phim sống động về cuộc sống thường ngày nơi cửa biển, từ những chuyến tuần tra đến việc đồng hành cùng ngư dân, dựng phao tiêu và bảo vệ môi trường. Hình ảnh “cột mốc hiên ngang” trong bài thơ trở thành biểu tượng vững chãi cho tình yêu và trách nhiệm với đất nước.

Hoặc ở một bài thơ khác mang đậm chất tự sự như bài Giữa khơi xa. Với những câu thơ giản dị mà chân thành, đầy cảm xúc, Hoài Khánh không chỉ ca ngợi thiên nhiên mà còn khắc họa sự hòa quyện giữa những người lính hải quân và biển cả. Những ẩn dụ đầy hình tượng đã cho ta thấy sự hiểm nguy mà người lính phải đối mặt và trải qua trên biển, đồng thời cũng cho thấy tinh thần đoàn kết và quyết tâm bám biển, thực thi nhiệm vụ của người lính hải quân “Nguyện canh giữ muôn đời từng tấc biển vẹn nguyên”.

Phong cách thơ của Hoài Khánh trong tập này không cầu kỳ, phô trương mà giản dị, đậm chất tự sự, mang hơi thở sử thi, giàu cảm xúc nên dễ đi vào lòng người. Hoài Khánh tập trung vào việc khơi gợi sự đồng cảm qua những tứ thơ gần gũi nhưng sâu sắc. Phép so sánh, nhân hóa và ẩn dụ được sử dụng tinh tế, làm bật lên vẻ đẹp của biển cả, con người và tinh thần yêu nước. Tuy nhiên, sự trùng lặp về hình ảnh và tứ thơ trong một số bài khiến chúng trở nên kém nổi bật. Dẫu vậy, đây vẫn là một tập thơ đáng trân trọng, đặc biệt trong bối cảnh văn học Việt Nam cần thêm nhiều tiếng nói hướng đến bảo vệ chủ quyền và khơi gợi tinh thần dân tộc.

Thức với khơi xa không chỉ là một tập thơ ca ngợi vẻ đẹp của biển đảo, mà còn là lời nhắc nhở về chủ quyền biển đảo, về lòng yêu nước và trách nhiệm với quê hương. Đọc tập thơ, ta không chỉ cảm nhận được vẻ đẹp của biển trời mà còn thấy được tình yêu tha thiết và tinh thần cống hiến không ngừng nghỉ của nhà thơ. Có lẽ chính bởi thế mà tập thơ này có sức lay động với người đọc, đặc biệt trong bối cảnh hiện nay khi vấn đề bảo vệ chủ quyền biển đảo là một nhiệm vụ mang tính chiến lược và đầy thử thách. Hoài Khánh đã dùng thơ để tiếp thêm sức mạnh và niềm tin cho người đọc, đặc biệt là thế hệ trẻ, khơi dậy trong họ lòng yêu nước và ý thức trách nhiệm đối với biển đảo – một phần máu thịt thiêng liêng của Tổ quốc thân yêu.

Có thể nói, Thức với khơi xa là một viên ngọc sáng, một thành quả quý giá trong sự nghiệp sáng tác của Nhà thơ Hoài Khánh. Tập thơ không chỉ giàu cảm xúc mà còn mang ý nghĩa lớn lao về mặt xã hội, văn hóa, khẳng định vai trò của văn học nghệ thuật trong việc bảo tồn và phát huy các giá trị dân tộc. Tác phẩm xuất bản và ra mắt đúng dịp này như một món quà xuân đầy ý nghĩa gửi đến các chiến sỹ và bà con các vùng biển đảo xa xôi, là một món ăn tinh thần xứng đáng được trân trọng và lan tỏa rộng rãi trong lòng bạn đọc.

Đ.T.T

 

 

 

Bài viết khác

violin amazon amazon greens powder