
Một con trăn, không phải, một con rắn to chợt ở đâu bò ra vắt ngang những bậc đá hẹp truớc mặt, chắn ngang lối đi khiến người đeo kính đen cũng hốt hoảng đứng khựng lại. Tuy nhiên con bò sát ghê gớm này chỉ phóng lưỡi ra phè một tiếng như để dọa, sau đó quăng mình lao xuống bụi cây um tùm, cheo leo ở phía dưới khi trông thấy hai sinh vật lạ lần mò đến khu săn mồi của nó…
Một con trăn, không phải, một con rắn to chợt ở đâu bò ra vắt ngang những bậc đá hẹp truớc mặt, chắn ngang lối đi khiến người đeo kính đen cũng hốt hoảng đứng khựng lại. Tuy nhiên con bò sát ghê gớm này chỉ phóng lưỡi ra phè một tiếng như để dọa, sau đó quăng mình lao xuống bụi cây um tùm, cheo leo ở phía dưới khi trông thấy hai sinh vật lạ lần mò đến khu săn mồi của nó.
1- HANG THIÊNG THẦN BÍ
Từ lúc bước vào con đường mòn dốc lên phía vách núi đá, mang màu xanh ma quái, Pàng thấy run run ở đầu gối. Cu cậu tự thấy xấu hổ vì đã mấy lần nói với thằng Bình và bọn ở lớp rằng mình cóc sợ hang Ma, sẵn sàng vào hang thám hiểm nếu có ai đó rủ đi cùng.
Không run sao đuợc vì đây chính là đoạn cuối cùng, dẫn đến một nơi mà mọi người sống trong vùng của chú bé này đều hãi, bảo nhau đừng có bén mảng đến làm gì.
Pàng cố ghìm để khỏi run. May mà cũng không may là lúc này chúng nó không có mặt ở đây. Có thì chúng cười cho thối mũi, dẫu rằng Pàng ta có lí do nói mình chỉ bảo không sợ nếu khi đi có người nọ người kia, có đoàn có đội hẳn hoi, tất nhiên có cả thằng Bình nữa. Còn bây giờ là cái ông đeo kính đen gần như cưỡng bức nó phải cùng đi với ông ta.
– Đi! Nhanh lên nào! – Người đàn ông có đôi vai ngang to bè, chân hơi khập khễnh, thúc thằng bé đang run cả chân lẫn tay khi thấy người ta cứ dẫn mình thẳng vào miệng chiếc hang tối thui, thấp thoáng những đốm xanh gì đó ở bên trong.
Một con trăn, không phải, một con rắn to chợt ở đâu bò ra vắt ngang những bậc đá hẹp truớc mặt, chắn ngang lối đi khiến người đeo kính đen cũng hốt hoảng đứng khựng lại. Tuy nhiên con bò sát ghê gớm này chỉ phóng lưỡi ra phè một tiếng như để dọa, sau đó quăng mình lao xuống bụi cây um tùm, cheo leo ở phía dưới khi trông thấy hai sinh vật lạ lần mò đến khu săn mồi của nó.
– Lúc đi gặp rắn thì may… – Người đàn ông đeo kính đen lẩm bẩm, chừng như để khích lệ chính mình rồi lại kéo tay Pàng tiếp tục leo lên.
Từ bao đời nay cái hang thần bí này được gọi là hang Ma, với bao nhiêu chuyện truyền kì quái đản, khiến cho không chỉ trẻ con mà ngay người lớn cũng chẳng ai muốn loanh quanh đến gần khu đó làm gì. Hầu như không ai dám bước vào hang vì mọi câu chuyện đồn đại đều nói rằng, chưa có người nào còn sống bước ra ngoài, khi đã vào cõi “Âm Ti” ấy.
Cậu bé mười ba tuổi, vừa học xong lớp tám, tên là Pàng này càng khiếp vía vì đây là lần thứ hai được dẫn đến khu rừng có hang Ma. Bốn năm truớc đây cậu ta đã đi cùng với cha mình đến khu rừng này, tuy còn xa mới chạm đến con đường mòn dẫn đến chiếc hang quái dị, thế mà lúc quay về đã gặp chuyện chẳng may. Không biết có phải như thày Mo nói đó là do hai bố con đã dám bén mảng đến gần hang Ma hay không?
Vậy mà bây giờ cái ông đeo kính đen này lại đang cầm chặt tay nó tiến thẳng vào đấy!
Pàng muốn cưỡng lại, nó nhìn quanh định tìm cách bỏ chạy nhưng biết chạy đi đâu. Nó và người đàn ông vai ngang to bè, đeo kính đen – ban đầu chỉ thuê dẫn đi hỏi tìm một người mù, rồi sau cứ vừa dụ vừa ốp nó phải đi theo từ hôm qua đến giờ – đang đi trên con đường nhỏ cheo leo, hai bên là vách đá gần như dốc đứng sâu hun hút, chệch sang phía nào cũng lập tức rơi tọt xuống vực. Phía truớc, chỉ còn cách chừng vài chục mét, là miệng hang Ma đang há ra như mồm con quái vật với những hàm răng sứt mẻ nhưng cực kì ghê rợn.
Chỉ còn nước quay đầu chạy trở lại, nhưng tay thì đang bị một bàn tay to bè nắm chặt. Cổ tay thằng bé nhỏ yếu như cổ con ngỗng non, giờ càng bị xiết chặt hơn khi người đeo kính đen thấy nó có ý định chạy trốn.
Tận lúc này, khi đứng sát người ông ta, ngước nhìn lên với đôi mắt kinh hoàng, Pàng mới thấy rằng dưới cặp kính đen hơi bị hếch lên có một con mắt chột, điều mà nó không hề biết vì từ hôm qua đến giờ, cả lúc ngủ lẫn lúc thức, ông ta không bao giờ bỏ cặp kính đen gọng to bự ra ngoài.
– Ông ơi, đừng vào hang ông ơi, cháu sợ lắm! – Pàng cố năn nỉ.
– Đi vào, sợ cái gì? – Người đàn ông gắt lên – Không ông quăng con mẹ mày xuống vực bây giờ! – Lão ta bỗng dở giọng quát to lên thế để át nỗi sợ, chính lão cũng đang run chân tay.
“Cứ đẩy thằng lỏi vào truớc, nếu nó không việc gì thì mình hãy vào sau” – Tay đàn ông đang có mưu toan này nghĩ bụng như vậy trong khi thọc tay vào túi, cầm sẵn đèn pin để soi trong hang tối.
Cậu bé tuổi choai choai bị đẩy dúi dụi vào trong hang. Không thể cưỡng lại vì vừa bị đẩy vai vừa bị dúi vào mông, nhưng chỉ vào trong hang hai ba buớc nó đã lật người chạy xô ra ngoài.
Một người lớn với một đứa trẻ giằng co xô đẩy nhau, cuối cùng lão đeo kính đen co giò đạp thật mạnh vào lưng thằng bé khiến nó văng hẳn vào bên trong, ngã sõng soài ra nền đá tối tăm lạnh lẽo. Ánh đèn pin vừa vội vã lóe lên để chiếu theo, chỉ làm cho người cầm đèn run cầm cập, còn thằng bé bị đạp ngã thì cuống cuồng bò dậy dù chân tay nó lúc này nhũn ra như cục dẻ nhúng nuớc.
– Ối, ma..!- Nó thét lên hãi hùng khi một chiếc sọ người bỗng lộc cộc lăn tới, từ trong hốc mắt của chiếc đầu lâu kinh khủng trườn ra một con rắn thần, đầu cất lên ngoe nguẩy.
Đứa trẻ cố sức vùng dậy, lao đầu muốn chạy thoát ra khỏi hang, nhưng cú đập mạnh vào trán nó của một con quỷ nào đó đang chờ sẵn, khiến thằng bé choai choai lăn quay ra bất tỉnh. Sau đấy thì không còn hay biết gì nữa…
*
* *
Pàng kết bạn với thằng Bình gần bốn năm rồi còn gì. Truớc kia mẹ con thằng Bình ở mãi duới Hà Đông, Hà Tây gì đấy, sau rồi bố nó thuyên chuyển lên làm sĩ quan ở cơ quan Quân sự Huyện, mẹ nó xin lên trên này dạy học, đem cả nó theo, hồi ấy cả hai thằng đều mới tám chín tuổi.
Hồi ấy nhà Pàng khó khăn lắm, ngô khoai cũng chẳng đủ ăn cho no bụng, nhờ có mẹ thằng Bình vận động nhà truờng và địa phương giúp đỡ mà Pàng được tiếp tục đi học. Hai năm sau, khi cô giáo Thìn – mẹ thằng Bình – chuyển về truờng nội trú lại xin cho nó đuợc đến đấy học, nên hai đứa vẫn chơi với nhau thân thiết.
Thằng Bình ở xuôi lên đây nên nó rất thích núi non, rừng rú. Học xong bài là chạy sang rủ Pàng đi vào rừng hái nấm, lượm sa nhân, đào củ mài, còn hồi chưa về truờng Nội trú thì việc hai đứa thích nhất, là sang mường liền kề nghe mế Tằng kể chuyện. Gọi là mế nhưng ngay con của các chít nội bà lão trên trăm tuổi này cũng đã là cha, là mẹ của khối đứa nhóc nhít rồi cơ. Có điều lão bà này tính nết vui vẻ, vẫn hóm hỉnh ra phết, cứ thích mọi người gọi mình là mế.
– Sao tao thấy mọi người ở đây đều gọi là cha mẹ, chằng khác người dưới tao – Có lần thằng Bình hỏi Pàng như vậy – mà bà lão lại xưng là mế nhỉ?
– Mẹ tao bảo mế Tằng không phải đẻ ra ở đây, lấy chồng người Mường phải theo lên đây thôi. Vậy nên bà lão cứ thích gọi như người Tày người Nùng đấy mà – Pàng giải thích cho bạn, nó còn nói thêm:
– Cha tao bảo chồng bà lão ngày xưa đánh nhau với Pháp bị thua, phải chạy trốn đi nơi khác, ở bản người Tày nên mới lấy mế Tằng đấy.
– Ơ, mình có thua Pháp bao giờ đâu – thằng Bình không tin – giặc Pháp thua to ở Điện Biên Phủ nên phải rút hết về nước thì có, sách giáo khoa rõ ràng có bài nói thế mà?
– Ờ nhỉ – Pàng ngớ ra nhưng chợt cu cậu nhớ lại chuyện mẹ nó đã nói – À, ngày xưa mình mới thua Pháp cơ, mẹ tao bảo thế, lâu lắm rồi…
– Ừ, chắc là thế.
Hồi thằng Bình còn ở duới xuôi, Pàng mới lên năm mà cu cậu đã hay sang nghe mế Tằng kể chuyện. Chỉ cần trong đám trẻ có đứa nào chịu khó, vừa ngồi đuổi lũ chim sẻ lẻn xuống mổ trộm nong kê, nong đỗ phơi ngoài sân vừa xoa bóp cho mế Tằng, thì người già nhất mường Rúc sẽ kể cho nghe một vài chuyện cổ tích.
Chuyện kể của bà lão móm mém này phải tính bằng ngày, không phải bằng giờ hay bằng từng chuyện đâu, Pàng đã chứng kiến điều đó khi có hai anh chị từ xa lắm, ở Thủ đô hay mãi thành phố Hồ Chí Minh ấy cơ, đem các thứ máy móc đến để ghi lại chuyện của cụ bà.
Chuyện cụ kể ra nhiều ghê nhiều gớm, trẻ con đứa đứng đứa ngồi nghe hóng chẳng thể nhớ hết, mà ngay anh chị gọi là “Văn Hóa” từ nơi xa kia đến đây cũng không thể nào nhớ nổi. Thế nên họ phải mang những cái máy nho nhỏ, chạy xè xè đến để chúng ghi nhớ hộ. Mấy đứa trẻ con mắt thao láo nghe chị cán bộ Văn Hoá mặc áo thổ cẩm, tóc cắt ngắn giải thích với mế Tằng:
– Cụ ơi, cụ cứ kể hết chuyện của cụ cho con cháu nghe nhá. Rồi thì những cuộn băng này sẽ nhớ hộ chúng cháu, sẽ nhớ thay cụ và kể lại cho mọi người nghe khi cụ đã trăm tuổi cụ ạ.
– Mế Tằng đã hơn trăm tuổi rồi còn gì! – Anh thanh niên nhắc khiến chị ta bưng miệng cười khúc khích.
– Ừ nhỉ, cháu quên mất. Khi nào mế hai trăm tuổi ấy mế ạ. Khi đó thì chẳng còn ai kể lại những câu chuyện này nếu chúng cháu không ghi chép lại mế nhỉ.
– Sao cái máy kia lại nhớ hộ được hả cô? – Cái Man lớn hơn Pàng, đã đi học ở trường xã, hỏi thế khi chị cán bộ Văn Hóa bày mấy thứ nho nhỏ ra chiếc bàn gỗ mộc, sát chỗ mế Tằng đang nửa nằm nửa ngồi, tựa lưng vào tấm mền giông giống như đệm chăn sui.
– Rồi cô sẽ giải thích cho các cháu. Giờ thì tất cả im lặng nhá, mế bắt đầu kể chuyện rồi kìa – Chị ta vừa nói vừa ấn mấy cái nút cho chiếc máy nho nhỏ chạy xè xè.
Mế Tằng kể chuyện về các Phi Phạ ở trên Trời, Phi Đông ở trong rừng, đều là các thần tiên hoặc ma quỷ gớm ghê. Chuyện dài lắm, không thể nhớ nổi nên nhiều đứa cứ đứng nhìn hai vòng tròn quay xè xè, với sợi giấy bóng màu nâu chuyển dần từ vòng nọ sang vòng kia.
Bà lão kể tiếp chuyện Chàng nho sĩ và cóc thần rồi đến TẸ TẤT TẸ ĐẠC (Đẻ đất đẻ nước) rất là dài.
– Mế kể cả chuyện của người Tày, Nùng lẫn của người Mường – Anh Văn Hóa thầm thì nhận xét với chị Văn Hóa.
– Người ta bảo chuyện của dân tộc nào mế cũng biết mà – chị Văn Hóa cũng thầm thì đáp lời – Thôi cứ ghi lại hết, về nhà mình sẽ xếp lại sau.
Mế Tằng kể nhiều, nhiều lắm. Đã có thêm hàng chục người đến ngồi nghe mế Tằng kể chuyện, ai cũng phục lăn phục lóc. Sao mà chuyện nó nằm được mãi trong đầu bà mế đã hơn trăm tuổi này, mà khi chui vào tai người khác thì nó cứ bỏ đi ngay, không chịu ở lại khiến người ta cứ lẫn chuyện nọ với chuyện kia!
(Còn tiếp)
N.C