Đât Việt trời Nam- tiểu thuyết lịch sử của Đan Thành – chương 54)

ĐẤT VIỆT TRỜI NAM (Chương 54)

Đan Thành

Hưng Ninh vương ba lần liều thân đến trại giặc

Trần Thái Bảo một phen đổi mạng chống quân thù…

ĐẤT VIỆT TRỜI NAM (Chương 54)

Đan Thành

Hưng Ninh vương ba lần liều thân đến trại giặc

Trần Thái Bảo một phen đổi mạng chống quân thù…

Bấy giờ đang giữa mùa xuân, gió hơi lành lạnh, mưa bụi bay bay, cây cỏ tốt tươi, A Bát Xích dẫn bọn Tích Đô Nhi, Dịch Cát đem binh thuyền xuôi theo sông Thái Bình đi về hướng Đông. Hai bên bờ sông lúa tốt bời bời, ngô xanh mơn mởn. A Bát Xích hứng khởi hát rằng:

–                                Mai dẫu thân về quê hương cũ… hề

Hồn còn vương vấn đất phương Nam

Binh mã muôn nghìn mây vần vũ… hề

In hình dưới sóng Bạch Đằng giang.

Dịch Cát nghe hát vậy, giãy nảy bảo:

– Trời ơi! Sao tướng quân lại nói ra những điều gở miệng như vậy?

A Bát Xích hỏi:

– Ta chỉ ca ngợi cảnh đẹp của xứ này cùng với vẻ oai hùng của quân ta, có gì mà bảo là gở miệng?

Dịch Cát nói:

– Khổ lắm! Không phải thế. Tướng soái ra trận chỉ có chết mới mang thân về quê, còn hồn ở lại nơi chiến địa. Hình ảnh binh mã ở dưới sóng chẳng phải chìm nghỉm cả hay sao?

Tích Đô Nhi nói:

– Người Hán rất kỹ càng trong việc chữ nghĩa, ngôn từ, cũng có khi ứng nghiệm. Tướng quân nên cẩn trọng thì hơn.

A Bát Xích cười lớn, nói:

– Ta buột miệng hát liều thế, làm gì mà các ngươi phải lo.

Dịch Cát nói:

– Quân ta nay đang tiến thoái lưỡng nan. Hoạ phúc còn chưa biết thế nào. Lời nói gở đã thốt ra rồi, xin tướng quân hãy dừng thuyền, làm chút lễ mọn lòng thành dâng lên thượng đế cùng hà bá quan ôn mà cầu giải hạn.

A Bát Xích lại cười ngất, nói:

– Người Trung Nguyên các ngươi chỗ nào cũng đặt bát hương, chỗ nào cũng lễ bái, cái gì cũng có thần có thánh phù trì thế mà mất nước vẫn hoàn mất nước. Vậy hỏi việc lễ bái có ích lợi gì?

Dịch Cát không nói sao được nữa, đành im lặng. A Bát Xích đem quân xuống Trúc Động, Tích Đô Nhi nói:

– Xin chủ tướng cho quân nghỉ lại một đêm, sáng mai hãy lên đường.

A Bát Xích nói:

– Không được! Việc đi tìm Ô Mã tướng quân là rất gấp. Không có thời giờ đâu mà dừng lại. Các thuỷ thủ cùng binh lính đều chia ra làm ba đội thay nhau chèo thuyền và canh giữ. Bây giờ các ngươi cứ vào thuyền nghỉ đi. Ta thức đến hết giờ Hợi rồi đến nhà ngươi, cuối canh ba gọi Dịch Cát dậy thay, sáng mai phải ra đến cửa An Bang.

Sáng Hôm sau ra tới biển nhưng chỉ có nước trời nhoà trong mưa bụi, không hề thấy bóng dáng Ô Mã Nhi và Trương Văn Hổ ở đâu. Tích Đô Nhi, Dịch Cát ngán ngẩm nói:

– Toàn là trời nước mênh mang, trên các đảo đá chỗ nào cũng cắm cờ quân Nam, biết Ô Mã tướng quân ở nơi nào mà tìm. Hay là ta cho thuyền quay lại Vạn Kiếp báo với thái tử.

A Bát Xích bảo:

– Ta nghe nói Tháp Sơn là một nơi thuỷ ải hiểm ác, biết đâu Ô Mã tướng quân đang đánh nhau với quân Nam ở đấy, phải đến giúp một tay mới được. Các đảo kia tuy có cờ quân Nam nhưng chưa chắc đã có lính giữ. Các ngươi chớ ngại.

Nói xong giục thuỷ thủ ra sức chèo. Đến chiều tới được Tháp Sơn cũng không hề gặp một thuyền quân Nguyên nào, thỉnh thoảng thấy vài ba xác lính tân phụ hoặc lính Thát trôi dạt, bị cá biển tranh nhau rỉa thịt. Mùi tanh lợm bốc lên làm cho lính Nguyên nhiều kẻ chịu không nổi phải nôn oẹ. A Bát Xích còn đang phân vân, chưa biết nên đi nữa hay quay lại, bỗng thấy trên đỉnh một ngọn núi đá cao giữa đảo có tiếng tù và nổi lên, tiếng trống đồng ở các đảo xung quanh cũng khua vang dậy rồi bốn năm đoàn thuyền quân Việt cùng xuất hiện. Dịch Cát nói:

– Quân Nam nhiều thế kia, quân ta chống sao nổi, nhỡ bị chúng vây thì khốn. Xin tướng quân cho lui binh về cửa An Bang.

A Bát Xích nghe theo, quay thuyền về An Bang, lại theo sông Bạch Đằng ngược lên. Khi qua Trúc Động, Dịch Cát thấy nhiều ngô lúa xanh tốt mới bảo:

– Nên dừng thuyền lại đem quân lên bờ cắt ngô lúa về cho ngựa ăn cũng đỡ được một phần lúa mạch.

A Bát Xích nghe theo, nói:

– ý ấy thật là hay.

Liền lệnh cho các tướng mang quân lên đồng bãi cắt ngô, cắt lúa. Chẳng ngờ dân binh Đại Việt ở vùng Trúc Động thấy thuyền quân Nguyên đi qua, đã đề phòng, cắm rất nhiều chông ở ruộng, lại phục trai đinh trong bãi ngô, sẵn sàng tên nỏ. Quân Nguyên hớ hênh kéo nhau xuống, nhiều kẻ giẵm vào chông thuốc độc, đau đớn kêu gào váng cả lên. Dân binh sở tại lại bắn tên nỏ làm quân Nguyên chết nhiều lắm. A Bát Xích không biết quân Việt nhiều ít thế nào, không dám tấn công, đành thu quân về thẳng Vạn Kiếp báo lại mọi chuyện. Bột La Hợp Đáp Nhi  nói:

– Đã đến nước này không lui binh rồi hối không kịp.

áo Lỗ Xích nói:

– Bây giờ quân Nam đã chặn hết các đường về. Ta đi theo một đường lên biên giới tất không thoát với chúng. Cứ chờ ít ngày nữa, Ô Mã Nhi thế nào cũng đến đây, khi ấy ta có thể tuỳ theo tình hình mà ở lại hay lui binh.

Tích Lệ Cơ nói:

– Nhưng lương thực hết cả rồi, lấy gì cho quân sĩ ăn mà chờ.

Các tướng đang bàn, có lính vào báo:

– Quân Nam cho sứ giả đến.

Bột La Hợp Đáp Nhi nói:

– Quân Nam rất là hay lừa dối, chúng cho sứ đến thế nào cũng có mưu kế gì đây. Xin thái tử bắt lấy sứ của chúng.

Bất Nhan Lý Hải Nha bảo:

– Thái tử cho sứ vào xem chúng nói gì đã nhưng chớ để hở ra là quân ta đang khốn đốn vì hết lương.

Thoát Hoan nghe theo, cho sứ Việt vào, vênh vang hỏi:

– Ta đến đây, vua các ngươi không chịu theo hàng lại còn trốn tránh đánh lại quân ta. Bây giờ còn cho sứ đến có việc gì?

Sứ Đại Việt nói:

– Vua chúng tôi chạy ra hải đảo đã lâu ngày, lương thực cạn cả. Quân dân đều đói khổ, sợ rằng thái tử không thương, dân nước tôi coi như gặp đại nạn. Tôi là Trần Tung, con bác của thượng hoàng, xin thái tử thương tình để tôi mời nhà vua đến nghị hoà.

Thoát Hoan nghe nói vua Đại Việt muốn nghị hoà, sướng như kẻ đang đói vớ được cỗ ngon, sáng cả mắt lên. áo Lỗ Xích sợ có điều thất thố mới nói trước rằng:

– Ta nói cho mà biết. Vua tôi các ngươi cứ việc chạy trốn. Chỉ không trốn mãi được thôi. Quân ta sẽ đóng lại đây mười năm xem các ngươi trốn

kiểu gì.

Thoát Hoan bảo:

– Nay các ngươi mới nghĩ đến chuyện nghị hoà đã quá muộn nhưng muộn còn hơn không. Ngươi mau về bảo Nhật Huyên đến đây. Ta sẽ đón tiếp tử tế, không làm gì mà sợ.

Trần Tung đi rồi, Thoát Hoan bảo các tướng:

– Đúng là có trời giúp ta rồi. Vua Nam đến đây ta chỉ việc bắt lấy là xong. Không còn lo thiếu quân lương nữa.

Các tướng đều mừng rỡ, riêng Bột La Hợp Đáp Nhi nói:

– Xin các ông chớ vội mừng. Tôi cho rằng Trần Tung đến đây chẳng qua chỉ là dò la và làm nản chí quân ta thôi. Nhất định y còn đến nữa, nhưng không bao giờ vua của chúng chịu đến đâu.

Quả nhiên vài hôm sau Trần Tung quay lại nói rằng:

– Vua chúng tôi cũng muốn đến lắm nhưng sợ lời nói không lấy gì làm bằng. Xin thái tử cho một đạo văn thư xá tội thì vua chúng tôi mới dám đến.

Bột La Hợp Đáp Nhi nói:

– Trần Tung là kẻ giả dối, biết quân ta thiếu lương thực nên nó làm kế hoãn binh để quân ta ngày càng quẫn bách mà thôi. Thái tử hãy chém Trần Tung rồi lui binh về là hơn.

Bất Nhan Lý Hải Nha nói:

– Nhỡ vua nó có ý muốn hàng thật mà ta làm như vậy chẳng phải hỏng việc lắm hay sao.

Thoát Hoan nghe lời ấy, bảo Trần Tung rằng:

– Ta bằng lòng cho một đạo văn thư nhưng vua tôi nhà ngươi chớ có trái lời.

Trần Tung nói:

– Nếu được như vậy, phúc cho nước Nam tôi quá, có đâu trái lời nữa. Nội trong ba ngày, vua chúng tôi dẫn bách quan đến xin hoà.

Trần Tung vừa về, Bột La Hợp Đáp Nhi nói:

– Tôi chắc lần này Trần Tung không quay lại nữa.

áo Lỗ Xích bảo:

– Những lời Trần Tung nói rất có lý, nhất định vua tôi chúng sẽ đến.

Bột La Hợp Đáp Nhi nói:

– Nếu vua tôi chúng đến, tôi xin nhường luôn chức vạn hộ hữu thừa để làm tên lính thường thôi.

áo Lỗ Xích cũng bảo:

– Nếu Trần Tung không quay lại, ta xin nhường chức bình chương cho ông đấy. Xin thái tử hãy sửa sang doanh trại, trang hoàng trong ngoài để đón vua An Nam.

Thoát Hoan nghe theo lời ấy, mới cho người dọn dẹp, trang hoàng mọi nơi, lại thông báo cho các trại lính chuẩn bị đón vua An Nam đến hàng. Các tướng thấy vậy không còn nghi ngờ gì nữa thành ra việc canh phòng trễ biếng. Đêm ấy Hưng Ninh vương, Linh Lang vương cùng mang quân tiến đánh hai doanh ở núi Phả Lại và núi Chí Linh. Quân Nguyên chết nhiều lắm. ái Lỗ, Đường Ngột Đải phải cố chết chống đỡ mới giữ được. Mấy đêm liền đều có trại bị đánh, lửa cháy rực trời. Cứ đến tối là quân Nguyên không dám ra ngoài. Bột La Hợp Đáp Nhi nói:

– Tôi đã bảo mà. Trần Tung chỉ lừa chúng ta thôi. Quan bình chương…

Bột La Hợp Đáp Nhi chưa nói hết câu, có quân vào báo:

– Sứ An Nam là Trần Tung đến.

Thoát Hoan gọi Trần Tung vào doanh, mằng rằng:

– Ta đã bằng lòng cho vua tôi các ngươi nghị hoà, sao lại bất ngờ tập kích quân ta. Vua ngươi đâu?

Trần Tung nói:

– Vua chúng tôi dẫn bách quan về đây không còn xa nhưng đêm qua thấy lửa cháy sáng rực, không biết sự thể ra sao nên lại không dám đến. Việc chiến sự chắc là do Hưng Đạo vương không biết nên mới gây ra. Để tôi về tâu lại với thượng hoàng truyền chỉ cho Hưng Đạo vương phải đình binh.

Bột La Hợp Đáp Nhi nói:

– Nếu vua ngươi đã đến gần đây, để ta đem quân đến bảo vệ cho.

Trần Tung nói:

– Tướng quân đã có lòng như vậy, người Đại Việt chúng tôi quả là cảm động nhưng thật không nên.

Thoát Hoan quắc mắt quát:

– Người của ta đi bảo vệ cho là tốt lắm rồi, sao lại không nên? Hay nhà ngươi muốn lừa chúng ta lần nữa đây?

Trần Tung phân trần rằng:

– Thái tử không tin, tôi đành chịu chứ bảo là lừa dối nhất định không phải. Nay thái tử đưa binh mã đến đón, dẫu vua chúng tôi có muốn theo nhưng quần thần sao khỏi nghi hoặc, bấy giờ họ lại rước xa giá đi nơi khác có phải là uổng cái công tôi lặn lội mấy lần đến đây mà chẳng được việc gì không?

Thoát Hoan nghe nói có lý, bảo:

– Thôi được! Ta cho ngươi đi lần này nữa, nếu Nhật Huyên không đến đừng trách ta cạn tình.

Trần Tung nói:

– Ngay bây giờ tôi xin đến doanh trại của Hưng Đạo vương truyền chỉ đình binh. Ngày mai đến chỗ hành cung của nhà vua. Nội trong ngày kia là trở về đây. Xin thái tử vui lòng đón tiếp.

Trần Tung ra khỏi trại quân Nguyên, đi thẳng đến đại bản doanh của Hưng Đạo vương Trần Quốc Tuấn kể lại mọi sự. Các tướng nghe vậy cười lăn, bảo:

– Đúng là bọn Nguyên ngố. Cứ ngồi đấy mà đợi các ông mày đến nghị hoà.

Mọi người xin đến đêm đem binh đi đánh. Hưng Đạo vương nói:

– Quân giặc bị ta đánh mấy đêm liền, thế nào cũng có phòng bị, cứ để đêm nay cho chúng nó nghỉ. Vài đêm nữa hãy đánh  mới chắc thắng hơn. Công việc ở đây trao lai cho Hưng Ninh vương, ta đem quân đến chỗ nhà vua để bàn việc đánh lớn với giặc.

Nói xong đem ngay quân đến Hải Đông, gặp vua Trần, bàn quốc sự.

Đêm ấy Thoát Hoan không thấy quân Việt đến đánh, mới bảo các tướng:

– Chắc là Trần Tung đã truyền chỉ hưu chiến nên Trần Quốc Tuấn không dám làm gì. Các ngươi cứ cho quân quét dọn doanh trại để mai đón vua An Nam. A Bát Xích! Ngươi phục sẵn năm trăm tay đao sau trướng, khi nào thấy ta hô một tiếng, xông cả ra bắt vua tôi chúng nó. Bất Nhan Lý Hải Nha đem một nghìn quân túc trực ở bên ngoài để tiếp ứng cho A Bát Xích. Trình Bằng Phi dự sẵn một vạn quân ngăn không cho bọn võ sĩ người Nam vào quân doanh. Bột La Hợp Đáp Nhi bảo vệ ta trong khi hội kiến.

Các tướng nhận lệnh, trù hoạch đâu đấy, chỉ đợi hôm sau vua Đại Việt đến là hành sự. Chẳng ngờ đêm ấy quân Việt dùng toàn binh sĩ cảm tử tiến đánh cả ba nơi. Dạ trúc pháo, mã phong pháo nổ vang trời dậy đất, lửa cháy tứ bề. Quân Nguyên cuống cuồng, chết hại nhiều vô kể1. Núi Phả Lại và núi Chí Linh bị quân Việt vây chặt. Đại doanh ở Vạn Kiếp mất hết các đồn ngoại vi. Mãi tới khi trời sáng, Trình Bằng Phi, Bột La Hợp Đáp Nhi, Bất Nhan Lý Hải Nha, A Bát Xích bốn tướng cùng mang quân trong thành đánh ra, quân Việt mới chịu rút. Các tướng liền chia quân đi giải vây cho núi Chí Linh và núi Phả Lại. Thoát Hoan lệnh cho các nơi phải làm nhiều doanh trại bằng gỗ cả cây để chống hoả khí của quân Việt. Đêm đêm quân Nguyên nằm tịt trong trại. Bột La Hợp Đáp Nhi nói:

– Tôi đã bảo rồi! Nhất định Trần Tung đến đây chỉ là lừa chúng ta thôi. Quan bình chương nên cho tôi xin cái chức của ngài.

áo Lỗ Xích bảo:

– Nhà ngươi bảo Trần Tung không quay lại thế mà nó quay lại đó thôi. Sao không thấy ngươi bỏ mũ hữu thừa vạn hộ đi làm tên lính thường nhỉ?

Các tướng tranh cãi hồi lâu, rốt cuộc cũng chẳng ai chịu nhường chức tước của mình. Thoát Hoan chờ suốt cả ngày hôm ấy, không thấy vua Đại Việt đến, Trần Tung cũng không quay lại, biết là mắc lừa, bảo các tướng rằng:

– Ta không ngờ vua tôi An Nam lại dối trá đến như vậy.

Bột La Hợp Đáp Nhi vốn tính thẳng thắn, nói:

– Vua quan nào mà chẳng dối trá cứ gì vua An Nam!

Thoát Hoan nghe câu ấy tức đầy cả ruột nhưng chả lẽ đang khi quẫn bách lại giết tướng nhà nên đành nhẫn nhịn cho qua chuyện. Quân Nguyên ngày càng thiếu thốn đói khổ, nhiều kẻ ốm đau không có thuốc thang, cơm cháo thất thường sinh ra nhiều bệnh tật. Binh lính vớ gì ăn nấy, chẳng kể kiêng khem, thời tiết lại ấm dần lên, dịch lệ lây lan khắp cả doanh trại. Ngày nào cũng có hàng trăm quân lính chết bệnh.

Bấy giờ bọn Trần ích Tắc theo quân Nguyên về nước mà chẳng làm nên chuyện gì. Bữa ấy Bột La Hợp Đáp Nhi đi ngang qua trại của bọn Tắc, thấy một lũ ăn không ngồi rồi, mới về đại doanh nói với Thoát Hoan rằng:

– Bọn Trần ích Tắc chẳng giúp quân ta được việc gì. Thái tử đuổi quách chúng đi cũng đỡ được mấy nghìn miệng ăn.

áo Lỗ Xích nói:

– Đuổi sao bằng sai chúng đem quân đi tìm lương thảo có hơn không.

Bột La Hợp Đáp Nhi nói:

– Sợ rằng không tìm được lương thảo, chúng bỏ đi luôn đấy.

áo Lỗ Xích nói:

– Chúng bỏ đi càng đỡ cho ta cái tiếng đuổi người.

Thoát Hoan nghe theo kế ấy mới cho gọi Trần ích Tắc đến, nói rằng:

– Quân ta ở đây lâu, lương thảo cạn cả. Ta muốn nhờ quốc vương đem Nam binh đi kiếm quân lương.

Trần ích Tắc không dám cãi, vâng vâng dạ dạ, quay về doanh, nói với các tướng rằng:

– Ta chỉ có hơn hai nghìn quân mà thái tử bắt đi kiếm lương, biết kiếm ở đâu bây giờ.

Các tướng nghe vậy đều sợ hãi, riêng có Phụ Nghĩa công Trần Tú Hoãn nói:

– Tôi biết trước kia Hưng Đạo vương giấu gạo ở Mễ sơn, từ đây đến đấy đi mất một ngày đường. Quốc vương nên mượn quân của thái tử đi cướp được nơi ấy, không lo gì thiếu lương thực nữa.

Trần ích Tắc dẫn Trần Tú Hoãn quay lại gặp Thoát Hoan, thưa rằng:

– Phụ Nghĩa công Trần Tú Hoãn có biết một nơi cất giấu quân lương của Trần Quốc Tuấn. Xin thái tử điều đại binh đến cướp mới lấy được.

Thoát Hoan nghe nói vậy mừng lắm, bảo:

– Chỉ cần là có kho lương, dù nó ở đâu ta cũng cho quân đến đánh lấy. Ngươi có chắc hay không?

Trần Tú Hoãn chỉ một điểm trên tấm hoạ đồ bằng da khô, thưa rằng:

– Đây chính là chỗ giấu quân lương. Ngọn núi này có tên Mễ sơn. Muốn đánh vào đây có ba đường chính: Một là có thể dùng thuỷ binh từ sông Như Nguyệt đánh lên. Hai là vượt qua eo núi Thanh Long, Bạch Hổ1 xuống vùng đồng lầy rồi tràn sang. Ba là dẫn quân theo đường lớn qua núi Kỳ Lân2 mà đến.

Thoát Hoan mừng lắm, hỏi:

– Ngươi có biết ai làm tướng giữ kho lương ấy không?

Trần Tú Hoãn thưa:

– Tôi mới nghe nói đốc bộ Trần Thái Bảo cùng vợ là Lý Châu Nương giữ nơi ấy. Hai người này năm trước trấn ở Hoan thành chống nhau với nguyên soái Toa Đô, gây cho quân ta không ít khó khăn. Muốn đánh nơi ấy phải dùng binh lực mạnh mới được.

Thoát Hoan nói:

– Tốt! Càng nhiều quân giữ thì càng nhiều lương. Đây chính là cơ hội để ta đánh lớn, vừa tiêu diệt quân Nam, vừa cướp được lương thảo.

Còn đang bàn bạc có quân vào báo bắt được một người Nam, nghi là gian tế. Thoát Hoan sai dẫn đến khám thấy có một phong thư xin viện binh, hỏi:

– Nhà ngươi có muốn được tha không?

Người lính Việt nói:

– Ta đã bị bắt, giết hay không là tuỳ, sao còn phải hỏi.

Trần Tú Hoãn đến bên người lính Việt, nói:

– Ta thấy anh còn trẻ, tương lai đang ở phía trước, nên theo về với thiên triều mà lập công danh, chết đi chẳng đáng tiếc lắm hay sao? Nếm cực hình của người Nguyên chẳng sướng tý nào.

Người lính Việt nói:

– Ta dâng tuổi trẻ cho non sông có gì phải tiếc. Chỉ tiếc là tiếc cho nước Nam này sinh ra những tên phản trắc sâu bọ như ngươi.

Anh lính Việt nói xong, đập đầu vào tường đá mà chết. Thoát Hoan biết chắc chắn có kho lương, liền gọi Bột La Hợp Đáp Nhi đến giao cho việc chỉ huy, đem năm vạn quân theo hai đường thuỷ bộ tiến đánh Mễ sơn. Bột La Hợp Đáp Nhi nhận lệnh, giao cho A Bát Xích, Trương Ngọc đem năm nghìn thuỷ binh đi theo đường sông Như Nguyệt, lấy Trịnh Long dẫn đường, hẹn khi nào thấy trên núi bốc khói nhiều thì đổ quân đánh từ dưới sông lên; Lưu Thế Anh, Trương Quân đưa hai vạn quân vượt qua núi Kỳ Lân đánh vào con đường chính để nhử quân Việt ra, lấy Lê Diễn dẫn đường. Bột La Hợp Đáp Nhi đi cùng Mãng Cổ Đài, Đáp Lạt Xích đem quân đến eo núi Thanh Long, Bạch Hổ bất ngờ vượt qua đầm lầy đánh thẳng vào trại quân Việt, Trần Tú Hoãn dẫn đường. Trù hoạch xong xuôi, chiều hôm ấy cả ba đạo quân cùng lên đường. Đáp Lạt Xích nói:

– Quân ta dùng kỵ binh là chính, vượt đầm lầy sao được.

Trần Tú Hoãn nói:

– Mặt đầm lầy có chỗ rộng chưa đến ba trăm bộ. Lính ta mỗi người chỉ cần ném xuống một bó cỏ nhỏ cũng đủ có con đường rộng cho ngựa đi.

Bột La Hợp Đáp Nhi nghe theo mới lệnh cho quân lính mỗi người phải mang một bó rơm hoặc cỏ khô đợi khi dùng đến.

Nói về vợ chồng Lý Châu Nương, Trần Thái Bảo từ khi nhận lệnh về giữ Mễ sơn, ngày đêm lo lắng, không khi nào lơ là canh giữ bố phòng. Các đội quân đến giao nhận binh lương đều được nhanh chóng. Con Tiểu Mãnh đã là một con chó trưởng thành, lúc nào cũng đi bên chủ, chân đứng thẳng, cổ nghến cao, hai tai dỏng lên nghe ngóng, mỗi khi cất tiêng sủa là làm vang động cả một vùng rừng núi. Trước đây nghe tin quân Nguyên hết lương đã rút về Vạn Kiếp, Mạc Lữ nói:

– Từ Vạn Kiếp tới đây hai đường thuỷ bộ chỉ đi mất một ngày, nếu dùng kỵ binh chưa đến một buổi. Tôi e giặc Nguyên biết được kho ta, mang quân đến đánh.

Ngô Tùng Hạnh nói:

– Kho ta là nơi kín đáo, quân Nguyên không dễ gì biết được.

Mạc Lữ nói:

– Quân Nguyên hẳn không biết, sợ bọn chân tay của Trần ích Tắc có kẻ tố giác thì nguy. Quân ta chỉ có ba nghìn người, làm sao chống được với giặc mạnh. Đốc bộ nên viết thư cử người mang đến chỗ Hưng Đạo vương nói rõ mọi chuyện, xin thêm quân đến bảo vệ mới không lo mất lương vào tay quân giặc.

Trần Thái Bảo nghe theo lời của Mạc Lữ, viết một phong thư, giao cho người lính truyền tin mặc giả thường dân đem đến trình với Hưng Đạo vương, chẳng ngờ người mang thư bị quân Nguyên bắt như ta đã thấy ở đoạn trên. Trần Thái Bảo lại cử Lê Bá đem một trăm quân lên đóng đồn ở núi Bạch Hổ, Lê Bách đem một trăm quân đóng ở núi Thanh Long, Vũ Liêm cũng mang một trăm quân lên núi Kỳ Lân, hẹn nếu thấy quân Nguyên đến, phải đốt lửa để mang binh ra chống.

Lê Bá đưa lính lên núi Bạch Hổ đóng đồn. Khi ấy đang là giữa mùa Xuân, buổi sớm đứng trên núi nhìn ra chỉ thấy khắp nơi toàn sương mù đặc như sữa, người đứng cách vài chục bước không nhận rõ mặt. Hai anh lính Việt đứng trên chòi gác nói với nhau:

– Sương mù thế này nhỡ quân giặc tiến đánh khó nhìn thấy lắm.

– Anh nói phải! Để tôi vào báo lại với đô trưởng.

Anh kia chỉ tay về phía núi Kỳ Lân, nói:

– Anh nhìn xem kia là sương hay khói đang bốc lên.

– Trông giống khói nhưng cũng có khi sương bốc lên cao.

Hai người đang nghi hoặc lại nghe văng vẳng có tiếng quân reo rất đông, vội quay vào trại báo. Lê Bá dẫn quân ra, quanh núi đã ran lên tiếng lính Nguyên thúc nhau tiến đánh. Lê Bá bảo một anh lính:

– Cậu về ngay khố doanh1 báo cho đốc bộ biết.

Anh lính nhận lệnh, đi ngay. Lê Bá không biết quân Nguyên nhiều ít thế nào, mới cho quân nổi lửa đốt để khói bốc lên. Khi ấy Trần Thái Bảo vừa đi tuần kho về, mới chợp mắt được một lúc, bỗng có quân vào báo.

– Cả ba ngọn núi phía trước đều thấy khói bốc lên.

Trần Thái Bảo, Lý Châu Nương hai người vội mặc giáp ra xem, quả nhiên khói ở cả ba nơi vượt khỏi sương mù bốc lên nghi ngút. Trần Thái Bảo nói với Lý Châu Nương cùng các tướng:

– Quân Nguyên nhân lúc sương mù tiến đánh chúng ta. Lý Châu Nương cùng một nghìn quân ở lại giữ kho. Nguyễn Vu đem năm trăm quân giữ mặt bờ sông, đề phòng quân thuỷ của chúng đánh lên. Ngô Tùng Hạnh đem năm trăm quân đến bãi lầy phòng khi quân giặc vượt eo núi Thanh Long, Bạch Hổ đánh đến. Mạc Lữ cùng ta đem một nghìn quân chặn con đường chính từ núi Kỳ Lân tới đây.

Trần Thái Bảo vừa phân phát quân đâu đấy, có người của ba nơi cùng về báo quân Nguyên tiến đến đông lắm. Các tướng vội mang quân đi ngay.

Bấy giờ Bột La Hợp Đáp Nhi tiến đến chân núi Bạch Hổ, chia cho Mãng Cổ Đài một vạn quân sai đi đánh núi Thanh Long, hẹn chiếm được núi thì xuống cả eo yên ngựa để cùng vượt bãi lầy. Mãng Cổ Đài mang quân đi rồi, Bột La Hợp Đáp Nhi lùa lính đánh lên núi Bạch Hổ. Lê Bá thấy quân Nguyên đến nhiều, cho lính nấp trong luỹ gỗ bắn ra. Quân Nguyên dùng mộc che tên tiến lên. Quân Việt đốt mã phong pháo ném cản lại làm quân Nguyên hơi lui. Đáp Lạt Xích giơ cao thanh đao, hô lớn:

– Kẻ nào lui lại thì chém không tha.

Quân Nguyên nghe vậy kéo ùa cả lên. Lê Bá ít quân không thể chặn được. Một trăm chiến binh Đại Việt bị gần hai vạn quân Nguyên vây đánh, lần lượt tử thương hết cả. Lê Bá trúng bảy tám mũi tên, chết ngay ở cửa luỹ. Bột La Hợp Đáp Nhi chiếm được núi Bạch Hổ, liền lùa quân xuống eo yên ngựa  cũng vừa lúc Mãng Cổ Đài tới. Bột La Hợp Đáp Nhi hỏi:

– Trên núi ấy không có quân Nam sao?

Mãng Cổ Đài nói:

– Chỉ có một trăm tên, chúng tôi vây lấy, giết sạch cả rồi nhưng chúng chống cự ghê quá, quân ta cũng chết mất vài trăm người.

Bột La Hợp Đáp Nhi liền lệnh cho lính đem rơm cỏ vứt xuống đầm lầy làm thành một con đường để sang bên kia.

Trong Khi Bột La Hợp Đáp Nhi, Mãng Cổ Đài chiếm được núi Thanh Long, Bạch Hổ thì Lưu Thế Anh, Trương Quân, Lê Diễn tiến đánh núi Kỳ Lân. Vũ Liêm đóng đồn ở đấy thấy quân giặc đông quá, thế không thể giữ được mới cho quân lui về, vừa lúc gặp Trần Thái Bảo mang quân đến cứu, hỏi:

– Ngươi có biết quân giặc nhiều ít thế nào không?

Vũ Liêm nói:

– Trời mù không nhìn thấy nhưng nghe tiếng reo hò đông lắm, chúng có không dưới hai vạn quân mã.

Bấy giờ mặt trời đã lên cao, sương mù tan hết. Quân Nguyên từ núi Kỳ Lân tràn xuống đường. Trần Thái Bảo chọn một nơi đường hẹp, dừng ngựa, cầm cây giáo dài đứng chắn ngang. Lát sau Lưu Thế Anh dẫn quân tới, thấy có người chắn đường, nói:

– Ta mang mấy vạn hùng binh đến đây, ngươi là thằng nào mà dám đem một nhúm quân ra chặn lối? Không sợ chết hay sao?

Lê Diễn đứng cạnh nói:

– Người này chính là đốc bộ Trần Thái Bảo, chủ tướng ở đây đấy.

Trần Thái Bảo biết mặt Lê Diễn, mắng rằng:

– Thằng phản quốc Lê Diễn! Hôm nay dù tao có chết cũng phải đổi mạng với mày ở nơi này.

Lưu Thế Anh nghe nói vậy, liền múa ngọn kích sắt đánh tới. Trần Thái Bảo không nói năng gì, vung ngọn giáo dài đánh lại. Trương Quân thấy Lưu Thế Anh không đánh đổ được Trần Thái Bảo, liền cầm cây giáo ba mũi xông ra đánh giúp. Vũ Liêm hoa đao chặn lại nhưng Vũ Liêm không đánh nổi Trương Quân, bị đâm một giáo ngã ngựa. Quân Nguyên ào ạt xông lên. Trần Thái Bảo  không chống nổi, cùng Mạc Lữ định lui binh về giữ trong luỹ, chẳng ngờ Bột La Hợp Đáp Nhi đã sang được đầm lầy đánh tan năm trăm quân của Ngô Tùng Hạnh rồi. Hoá ra Trần Thái Bảo bị vây hai đầu không thể về luỹ được nữa. Trần Tú Hoãn cưỡi ngựa lên trước nói với Trần Thái Bảo rằng:

– Quan đốc bộ nay đã bị vây không còn đường chạy, sao không hàng để được hưởng ân huệ của thiên triều.

Trần Thái Bảo không trả lời, cúi xuống nói với con Tiểu Mãnh:

– Đó là kẻ phản quốc, mày nhất định phải giết nó trả thù cho ta.

Con Tiểu Mãnh như hiểu ý chủ, nó nhìn về phía Trần Tú Hoãn, nhe nanh, gừ lên mấy tiếng đe doạ. Quân Nguyên hai đầu đánh ép lại. Quân Việt cố chết chống cự nhưng không chống nổi, Mạc Lữ trúng tên, chết. Trần Thái Bảo trông thấy Lê Diễn, liền phi ngựa tới đâm một giáo. Lê Diễn thét lên một tiếng, ngã nhào xuống ngựa. Con Tiểu Manh xông lên cắn cổ mấy lính Nguyên. Bột La Hợp Đáp Nhi, Lưu Thế Anh cùng hô quân chĩa vào con chó mà bắn. Hàng nghìn cánh cung cùng bật dây nhưng không có mũi tên nào trúng đích. Con Tiểu Mãnh thoát ra khỏi vòng vây chạy vào trong luỹ. Các tướng Nguyên thấy còn một mình Trần Thái Bảo ở giữa vòng vây, quyết bắt sống. Thái Bảo biết không thể thoát, rút gươm tự sát. Bột La Hợp Đáp Nhi thấy Trần Thái Bảo đã chết mới cho quân đốt lửa báo cho A Bát Xích, Trương Ngọc biết. Hai tướng Nguyên lúc ấy đã mang quân đến bến sông, thấy có nhiều khói liền thúc lính xông lên. Nguyễn Vu liền đổ quân trong rừng ra chặn lại. Hai bên hỗn chiến. Nguyễn Vu bị Trương Ngọc đâm một nhát kích, lăn xuống ngựa. A Bát Xích dẫn quân đánh ép vào phía sau núi.

Lý Châu Nương ở trong doanh thấy Tiểu Mãnh trở về, mình đầy những máu, biết chuyện gì đã xảy ra rồi. Lúc sau quân Nguyên kéo đến vây luỹ. Lý Châu Nương cho quân giật bẫy đá làm lính Nguyên chết hại nhiều lắm. Hai bên đánh nhau đến trưa mà quân Nguyên không vào được luỹ. Mãng Cổ Đài nói :

– Luỹ này làm toàn bằng gỗ, ta đốt xung quanh chúng chống sao được.

Lưu Thế Anh nói:

– Không được! Ta đánh trận này là để cướp lấy quân lương, dùng hoả công nhỡ cháy hết lương thảo thì cướp cái gì nữa? Theo tôi bắt lính làm phên tre chắn tên cho xung xa phá cửa, chúng không thể chống mãi được.

Bột La Hợp Đáp Nhi nghe theo kế ấy, cho lính chặt tre ghép thành phên lớn khiêng đi trước chắn tên đạn rồi dùng một cỗ đại xung xa húc vào cổng luỹ, quả nhiên lúc sau cổng bị phá tung. Quân Nguyên tràn vào trong. Một nghìn quân Việt không thể chặn nổi mấy vạn quân Nguyên. Lý Châu Nương thấy tình thế đã quá nguy cấp, cho lính chất thuốc nổ vào kho lương, bà nằm lên trên, lấy tấm vải đỏ phủ lên mặt rồi lệnh cho quân phóng hỏa. Thuốc nổ cháy, cả kho lương, kho thuốc súng bùng lên. Khắp một vùng biến thành núi lửa. Quân nguyên sợ hãi tháo chạy tán loạn. Lý Châu Nương đã hoá thần. Dân nơi ấy về sau lập đền thờ bà và tôn vinh là Bà Chúa Kho. Ngôi đến ấy đến nay vẫn còn, khách thập phương đến khấn lễ quanh năm, nghe nói thiêng lắm, ai cầu gì được nấy rất là linh ứng.

Trong lúc quân Nguyên tháo chạy hỗn loạn, con Tiểu Mãnh nhìn thấy Trần Tú Hoãn rúc vào một gốc cây, nó lao tới táp một miếng thật sâu vào cổ tên phản quốc. Một dòng máu phun ra, Trần Tú Hoãn giãy giụa đau đớn, lúc sau máu ra nhiều, nằm im bất động. Con Tiểu mãnh chạy biến vào rừng. Rất nhiều năm sau dân vùng ấy bảo rằng vẫn nghe thấy tiếng con chó của Bà Chúa Kho sủa thảm thiết lắm, hình như nó chưa tìm thấy chủ. Gần ba trăm năm qua đi, đến thời nhà hậu Lê, có một vị đạo sĩ tên là Tả Ao qua nơi này, ngắm hình sông thế núi rồi yểm một đạo bùa, khấn rằng:

– Chó khôn! Chó khôn. Giặc đã tan rồi, mau về với chủ, chớ khóc than chi làm kinh động dân lành.

Từ bấy giờ không ai còn nghe tiếng con chó sủa trong đêm nữa.

Bột La Hợp Đáp Nhi sau một cơn bàng hoàng mới hiểu ra mọi chuyện, bảo Lưu Thế Anh, Mãng Cổ Đài, A Bát Xích rằng:

– Các ông cho quân lấy nước dập lửa đi.

Khốn thay nước ở sông ở đầm đều xa mà lửa cháy to, mùi thuốc súng bốc lên khét lẹt. Quân Nguyên chữa cháy suốt đêm. Đến sáng hôm sau lửa mới tắt. Bột La Hợp Đáp Nhi cho kiểm điểm kho lẫm thì chẳng còn gì. Lính Nguyên cứu được vài nghìn thạch lương nhưng đều cháy sém hết cả, nhiều chỗ trộn lẫn với thuốc súng. Lưu Thế Anh ngán ngẩm nói:

– Trận này tuy đánh thắng nhưng cũng chẳng kiếm được lương thảo, lại mất toi mấy nghìn quân lính.

Bột La Hợp Đáp Nhi truyền lệnh cho các tướng thu quân kéo về Vạn Kiếp báo lại mọi chuyện. Thoát Hoan nghe vậy kêu lên:

– Lương thảo không kiếm được mà Ô Mã Nhi, Trương Văn Hổ chẳng thấy đâu. Quân ta chuyến này đến chết đói mất thôi.

Đây nói đoàn thuyền chiến của Ô Mã Nhi sau khi bỏ lại ba trăm chiếc lọt vào tay quân Việt, chạy lên biển An Bang nhưng chẳng thấy tăm hơi Trương Văn Hổ đâu. Ô Mã Nhi bảo Phàn Tiếp:

– Ta đi mãi mà không thấy Trương Văn Hổ, biết làm thế nào?

Phàn Tiếp nói:

– Có lẽ Trương Văn Hổ bị Trần Khánh Dư đánh tan thật rồi. Ta cứ đi tìm vào các đảo hoang kia may ra có ai lạc đến, đón lấy họ mà hỏi tin tức. Biết đâu chả gặp những thuyền chạy thoát trôi dạt ở đấy.

Ô Mã Nhi nghe theo mới cho quân đi tìm khắp các đảo. Lênh đênh trên biển hơn một tháng chẳng gặp ai, đến trung tuần tháng hai âm lịch không còn hy vọng gì nữa. Phàn Tiếp nói:

– Đã đến nước này ta nên quay về Vạn Kiếp báo cho thái tử biết để còn định liệu.

Ô Mã Nhi nói:

– Có khi thái tử vẫn còn ở Thăng Long, ta quay về Thăng Long thì hơn.

Đào Đại Minh nói:

– Thái tử không có quân lương, không thể ở Thăng Long được. Phàn tướng quân nói đúng, nhất định đã về Vạn Kiếp rồi.

Ô Mã Nhi nói:

– Biết đâu quan bình chương chả cướp được lương cho quân ta.

Phàn Tiếp bảo:

– Nếu quan bình chương cướp được lương cho quân ta thì thật là đại phúc. Chỉ sợ không có gì ăn, đại binh đã về Vạn Kiếp mà chúng ta lớ ngớ quay lại Thăng Long để cho quân Nam nó vây, chắc không tránh khỏi số phận nguyên soái Toa Đô năm trước. Chi bằng ta cứ về Vạn Kiếp, nếu thái tử còn ở Thăng Long, đến đó cũng chẳng khó gì.

Ô Mã Nhi nghe nói đến chuyện Toa Đô năm trước, có ý sợ, mới theo lời Phàn Tiếp mang quân vào cửa An Bang, ngược sông Bạch Đằng về Vạn Kiếp. Khi đi qua vùng Trúc Động, đổ quân xuống các làng ven sông cướp phá, bị dân binh nơi ấy đánh trả quyết liệt nhưng cũng cướp được một ít trâu bò, lúa gạo. Đào Đại Minh cho quân xuống đồng cắt được vô số ngô, lúa non, chất đầy lên thuyền chở về cho ngựa1. Phàn Tiếp nói:

– Không nên ở lâu nơi này, mau về đại doanh xem sự thể thế nào đã.

Ô Mã Nhi nghe theo mới thu quân đi thẳng về Vạn Kiếp. Thoát Hoan nghe tin Ô Mã Nhi đã về, mừng không còn chỗ nói, vội đòi vào hỏi rõ mọi sự, nghe xong gắt ầm lên rằng:

– Nhà ngươi đi lần nào hỏng việc lần ấy, đã không tìm được Trương Văn Hổ còn để mất ba trăm thuyền chiến. Thôi! Lần này không ai còn có thể cứu ngươi được nữa.- rút thanh kiếm lệnh quẳng ra trước mặt Ô Mã Nhi – Kiếm đấy ngươi tự xử đi.

Ô Mã Nhi cầm thanh kiếm, nghĩ mình hết lòng muốn lập công phò chúa mà nay đến nông nỗi này, chết cũng khó nhắm được mắt, càng nghĩ càng tủi thân, hai hàng lệ chảy ròng ròng, tay đưa thanh gươm lên cổ.

Thật là:

Đất Bắc, biển Nam đã tung hoành

Giữa đường đứt gánh, chết không đành

Cũng muốn lập công dâng Nguyên chúa

Ngờ đâu hổ mặt với trời xanh.

Mời bạn đọc tiếp chương sau xem cái chết của Ô Mã Nhi thê thảm thế nào.

 

 


1 Về việc này Nguyên sử chép rằng:  “Nhật Huyên nhiều lần sai sứ đến hẹn hàng, ý muốn hoãn quân ta. Các tướng đều tưởng thật, sửa sang doanh trại để chờ đón nhưng lâu ngày quân thiếu ăn mà Nhật Huyên thì không đến”. .Sách An Nam chí lược của Lê Trắc cũng viết: “ Hưng Ninh vương Trần Tung nhiều lần đến hẹn hàng làm quân ta mất nhuệ khí, ban đêm  lại sai quân cảm tử đến cướp doanh trại”.

1 Núi Thanh Long, Bạch Hổ dân ở đây quen gọi là núi Dinh.

2 Núi Kỳ Lân tên dân gian gọi là núi Lê.

1 Khố doanh: Doanh trại trong kho.

1 Vì có chuyện này nên về sau Nguyên sử khuếch trương lên rằng: “ Trên đường về Vạn Kiếp, Ô Mã Nhi cướp được hơn bốn vạn thạch gạo”. Nếu có số gạo nhiều như  vậy  thì quân Nguyên có thể ung dung trụ lại được hàng tháng nữa, làm sao phải lui binh mau đến thế?!

Bài viết khác

violin amazon amazon greens powder