
Đan Thành
Vua Trần đại chiến Bạch Đằng giang
Đan Thành
Vua Trần đại chiến Bạch Đằng giang
Hưng Đạo phục binh Nữ Nhi ải
Ô Mã Nhi đang định kết liễu cuộc đời, có một tướng ở ngoài chạy vào giật lấy thanh kiếm, nói:
– Tôi cùng đi với Ô Mã tướng quân, trách nhiệm này tôi xin được cùng gánh. Thái tử cho tôi được chết.
Các tướng trông xem hoá ra là Phàn Tiếp. Thoát Hoan nói:
– Ta biết nhà ngươi đã nhiều lần khuyên can nhưng Ô Mã Nhi không nghe, nên việc này trách nhiệm ở một mình y thôi, không can gì đến ngươi.
Áo Lỗ Xích nói:
– Ô Mã Nhi là một đại tướng mà không làm tròn chức phận, tội ấy thật nặng nhưng vì cũng kiếm được một số lương thực, lại là lúc quân ta đang cần người, nên xin thái tử tha cho để y đới công chuộc tội.
Nói xong câu ấy, áo Lỗ Xích lại ghé vào tai Thoát Hoan nói nhỏ mấy câu gì đó. Thoát Hoan bớt giận, bảo:
– Nể lời quan bình chương xin cho. Các ngươi hãy về thuyền đợi lệnh.
Ô Mã Nhi thoát chết, liền cùng Phàn Tiếp cúi lạy tạ ơn rồi lủi thẳng về thuỷ trại. Thoát Hoan tha cho Ô Mã Nhi nhưng từ ấy có ý ghét vì cho rằng Ô Mã Nhi không có thực tài. Hai hôm sau Thoát Hoan triệu các tướng đến thương nghị. Bột La Hợp Đáp Nhi nói:
– Quân ta bây giờ khốn khổ lắm rồi. Xin thái tử cùng quan bình chương lo liệu việc lui binh kẻo không kịp.
Lưu Thế Anh cũng nói:
– Thời tiết ngày càng nóng lên, doanh của tôi ngày nào cũng có mấy chục lính chết. Quân ốm đến gần một nửa mà không có thuốc chữa. Quân Nam biết được chuyện này kéo đến đánh lớn, e không giữ được. Xin thái tử cho lui binh ngay thôi.
áo Lỗ Xích nói:
– Hôm nay thái tử mời các tướng đến chính là muốn bàn về việc rút quân. chỉ lo một điều các đường lui binh đều bị quân Nam ngăn trở, không biết có đi được không? Ai có kế hay hãy trình lên.
Các tướng đều ngồi im thin thít, không ai đưa ra được một kế sách gì. Lúc sau Trình Bằng Phi nói:
– Đường bộ đã bị quân Nam chặn hết các ải rồi. Chỉ cần chúng chốt chặt không ra giao chiến, quân ta cũng đủ chết đói hết dọc đường. Lại có tướng Phạm Ngũ Lão không ai địch nổi thì đi làm sao? Theo tôi nên tập trung thuyền bè, toàn quân rút về đường thuỷ là hơn.
Ô Mã Nhi nghe vậy, giãy nảy nói:
– Không được! Không được. Đường thuỷ có Trần Khánh Dư trấn ở Vân Đồn. Quân ta lần nào đi trên tuyến này cũng đều bị đánh cả. Kéo nhau lũ lượt đi lối ấy khác chi làm mồi cho chúng.
Thấy Phàn Tiếp không nói gì, Thoát Hoan hỏi:
– ý Phàn tham chính thế nào?
Phàn Tiếp nói rằng:
– Tôi cũng nghĩ như Ô Mã tướng quân. Quân Nam đã dồn cả về đây vây chúng ta. Nếu rút theo đường thuỷ tất chúng tập trung đánh ngay trên sông. Quân ta khó mà ra được đến biển. Chi bằng ta nên huỷ hết binh thuyền, kéo quân theo đường bộ, khai sơn phá thạch mà đi may ra còn thoát được.
Vạn hộ Trương Quân nói
– Trời ơi! Nói chuyện khai sơn phá thạch mà ngon như ăn oản vậy. Lương hết, quân ốm lấy ai mà khai sơn phá thạch đây.
Đại tướng quân Lưu Khuê nói:
– Tôi nghĩ đường nào cũng khó đi cả. Nếu chọn đi một đường tất quân Nam có điều kiện tập trung lực lượng ngăn trở. Chi bằng ta chia quân làm ba đường như lần trước mà rút, ít gặp khó khăn hơn.
áo Lỗ Xích ghé vào tai Thoát Hoan nói nhỏ:
– Lưu Khuê đã nói trúng ý rồi đó. Xin thái tử ra lệnh.
Thoát Hoan mới nói với các tướng:
– Mọi người đã bàn như vậy thì nên theo ý tướng quân Lưu Khuê là đúng hơn cả. Ô Mã Nhi, Phàn Tiếp, Lưu Khuê, Trương Ngọc bảo vệ thân vương Tích Lệ Cơ đi theo đường Bạch Đằng giang về lối Khâm châu, Điền Soái, Sầm Đoan đi cùng cánh quân ấy. Trình Bằng Phi, Tháp Xuất1 đem một đội kỵ binh đi trên bờ để hộ tống, hai ngày sau phải xuất phát. Khi thuỷ quân đã đi xa rồi thì Trình Bằng Phi, Tháp Xuất mang quân quay lại đây đi theo đường bộ. Aí Lỗ, A Thai, Mãng Cổ Đài đưa cánh quân Vân Nam về theo đường Quy Hoá, cũng hai ngày sau xuất phát. Các tướng còn lại cùng ta và bình chương quân sư đi theo đường Nội Bàng về Tư Minh. Ngày khởi hành sẽ định sau.
Phàn Tiếp hỏi:
– Vì sao thái tử lại không cùng đi?
áo Lỗ Xích đỡ lời:
– Thái tử phải chờ Trình Bằng Phi quay lại. Vả nữa, còn phải canh chừng cho các ngươi đi có khó khăn gì không để tiếp ứng.
Các tướng ai về doanh nấy thu vén lên đường. Phàn Tiếp về đến thuỷ trại, nói với Ô Mã Nhi và Tích Lệ Cơ rằng:
– Thái tử cùng bình chương cho chúng ta đi trước không phải có ý tốt như thế đâu. Chẳng qua là muốn quân Nam dồn hết đến đánh chúng ta với ái Lỗ để thái tử rộng đường chạy thôi.
Tích Lệ Cơ nói:
– Chúng ta chẳng khác gì con tốt bị đem thí. Thoát Hoan biết hoàng đế chẳng ưa ta nên mới bắt đi theo đường này, nhằm mượn tay người Nam hại ta đi đó2.
Ô Mã Nhi nói.
– Thôi thì trăm sự nhờ giời. Quân sử thần tử, biết làm sao.
Ô Mã Nhi nói rồi cứ việc chuẩn bị cắt đặt các tướng lĩnh chỉ huy các đội, không nghĩ đến việc khác. Đúng hai ngày sau đem năm vạn quân, gần hai vạn thuỷ thủ, hơn sáu trăm binh thuyền xuôi nước mà đi.
Trong khi Ô Mã Nhi đem thuỷ quân xuôi xuống phía Đông thì ái Lỗ, A Thai lại đem quân chạy ngược lên hướng Tây, mới đi được hơn một ngày đường gặp ngay đạo quân Việt của Trần Quán. Hai bên đánh nhau quyết liệt. Quân Nguyên yếu thế không thể đi được đành quay lại Vạn Kiếp với Thoát Hoan.
Sau trận Tháp Sơn, vua Trần đem đại quân lên hội với Hưng Đạo vương ở Hải Đông. Đến khi thấy Ô Mã Nhi đi tìm Trương Văn Hổ không được, trở về Vạn Kiếp, biết thế nào quân Nguyên cũng sắp rút, thượng hoàng Trần Thánh tông hội các tướng phán rằng:
– Quân Nguyên đã lâm vào đường cùng, không thể ở lâu trên nước ta, nay mai thế nào chúng cũng phải chạy về. Trẫm triệu các khanh đến đây để cùng nghe Hưng Đạo vương trình bày phương lược đánh giặc.
Hưng Đạo vương tâu rằng:
– Thời gian đã rất gấp. Quân giặc chắc chắn sẽ chia làm hai đường thuỷ bộ để rút. Đoàn thuyền của Ô Mã Nhi thế nào cũng đi ra cửa An Bang về Khâm châu. Quân ta nhất định phải đánh tan đoàn quân thuỷ này. Muốn đánh tan chúng phải bịt được các lối ra cửa An Bang và Nam Triệu. Việc này chỉ có thể thực hiện được lúc nước thuỷ triều xuống cạn. Khi ấy đường ra Nam Triệu đã có bãi đá Con Hà1 nhô lên chắn ngang, thuyền lớn của giặc không thể đi qua. Ta chỉ việc phục ở đây một đạo quân, giặc không tài nào thoát được. Nhưng ý đồ của giặc là đi theo sông Giá sang sông Chanh ra cửa An Bang. Dân chúng ở đây cho biết ngày mùng bảy, mùng tám tháng ba là lúc nước cạn, buổi trưa mức nước xuống thấp nhất. Thần đang cho Nguyễn Khoái đóng ngang sông một bãi cọc lớn. Ta nhử sao cho giặc vào đấy đúng lúc nước cạn thì thuyền của chúng ắt tan, quân ta tung ra đánh, giặc không thể không bị bắt. Có điều nếu giặc đi theo sông Giá đội hình của chúng kéo dài, dù bị chặn ở đằng đầu, đằng sau cũng không rối loạn, khi nước lên chúng có thể vượt qua bãi cọc thoát ra, ta khó thu đại thắng, vì thế cần phải có một đội quân mạnh chặn ở Trúc Động, không cho giặc đi vào sông Giá, buộc chúng phải đi sang nhánh Đá Bạc là đoạn sông lớn, đội hình dễ rối loạn hơn. Vạn nhất có tên quân Nguyên nào thoát được ra biển, đã có Nhân Huệ vương, Hưng Nhượng vương đón chúng. Sau khi cắt cử các tướng, thần xin giao lại quyền chỉ huy trận này cho hoàng thượng, để về Nội Bàng trước đón đánh Thoát Hoan. Việc trù liệu của thần là như vậy, xin hoàng thượng truyền thánh chỉ.
Thượng hoàng nhìn các tướng, hỏi:
– Quốc công đã liệu việc đánh giặc như vậy, các khanh có ai tấu gì không?
Các tướng đồng thanh nói:
– Chúng thần xin đợi chỉ.
Thượng hoàng nói:
– Mời quốc công điều các tướng.
Hưng Đạo vương đứng ra gọi:
– Chiêu Văn vương Trần Nhật Duật đóng tại Trúc Động. Nhất định không cho Ô Mã Nhi đi qua sông Giá.
Trần Nhật Duật nhận lệnh đem quân đi ngay. Hưng Đạo vương gọi:
– Trần Quốc Thành đem quân đến ngã ba Đụn, thấy quân giặc đến, ra đánh rồi giả thua chạy xuống Đá Bạc để nhử chúng đuổi theo.
Trần Quốc Thành dạ to một tiếng, bước ra mang quân đi. Hưng Đạo vương gọi đến Trung Hiến hầu Trần Dương, dặn:
– Ngươi đem quân chặn ở phía trên bãi Con Hà, thấy giặc đến phải đánh mạnh, không được để chúng thoát ra cửa Nam Triệu.
– Tiểu tướng xin vâng lệnh.
Trần Dương nói xong mang quân đi ngay. Hưng Đạo vương nói:
– Nguyễn Khoái đang cho quân đóng cọc ở sông Chanh. Ta muốn cử thêm người đến giúp y, rồi cùng chặn ở đấy mà bắt giặc. Ai có thể đi được?
Nhân Đức vương bước ra nói rằng:
– Việc ấy tôi xin nhận.
Hưng Đạo vương nói:
– Lão vương tuổi đã cao mà việc này khó nhọc nặng nề lắm.
Nhân Đức vương vuốt chòm râu dài bạc trắng, cười lớn nói:
– Liêm Pha ngày trước tám mươi tuổi còn cầm đao lên ngựa khiến quân Tần phải sợ. Tôi nay mới có bẩy mươi bẩy còn kém ông ta ba tuổi sao bảo là già.
Hưng Đạo vương cũng cười, quay về phía Trung Thành vương, nói:
– Vương công hãy đem một đạo quân cùng đi với lão vương gia.
Trung Thành vương bước ra đứng ngang với Nhân Đức vương, nói:
– Cha con tôi xin vâng lệnh quốc công.
Thượng hoàng dặn Nhân Đức vương và Trung Thành vương rằng:
– Cha con ngươi cùng Nguyễn Khoái giữ cửa sông Chanh là nơi quyết định sự thành bại của trận đánh. Các ngươi cứ trông hiệu cờ trên núi U Bò mà hành sự cho đúng.
Hai vương bái tạ thượng hoàng cùng nhà vua rồi mang quân đi. Khi hai cha con Nhân Đức vương đi rồi, các quan có người nói:
– Trung Thành vương dám đứng ngang với cha là vô lễ.
Hưng Đạo vương bảo:
– Trong nhà là tình cha con phải có thứ tự. Với việc nước hai người ấy ngang hàng nhau. Ông ta làm như vậy là coi việc nước trên tình nhà đấy.
Mọi người nghe nói như vậy đều cho là phải. Hưng Đạo vương lại gọi, minh tự Nguyễn Thức, Đỗ Hành, dặn:
– Các ngươi cùng với dân binh làm cho nhiều bè lửa, giấu trong các lạch sông, khi nào quân Nguyên ùn tắc thì đốt lên thả cho trôi xuống mà thiêu chúng.
Hai tướng vâng lệnh thi hành. Bấy giờ Hưng Đạo vương nói với nhà vua.
– Chỉ trong một hai ngày nữa quân Nguyên sẽ xuất phát. Xin hoàng thượng cùng Tá Thiên vương, Chiêu Đạo vương đem ngự doanh về Dương Nham1 kìm chân giặc không cho chúng đến sớm. Ngày mùng sáu, mùng bảy tháng ba nước cạn, quân ta cũng đóng cọc xong, chuẩn bị đồ hoả khí đâu đấy thì mở đường cho chúng đi. Đánh tan Ô Mã Nhi rồi xin hoàng thượng mang ngay quân theo đường Tam Trĩ nguyên, vượt đèo đến ải Nữ Nhi tiếp ứng cho thần.
Vua Trần theo kế ấy, mang quân về đóng ở núi Dương Nham. Hưng Đạo vương đem bọn Dã Tượng, Yết Kiêu, Nguyễn Địa Lô cùng các tướng còn lại lên thẳng Nội Bàng.
Trần Nhân tông cùng thượng hoàng vừa về tới Dương Nham, có thám binh đến báo thuyền của Ô Mã Nhi đã từ Lục Đầu giang xuôi xuống sông Kinh Thầy, có đội kỵ binh của Trình Bằng Phi đi hộ tống trên bờ2. Nguyễn Chế Nghĩa nói:
– Quân Nguyên xuất phát đúng như dự đoán của Hưng Đạo vương. Chỉ hai ngày là chúng đến được Bạch Đằng. Xin hoàng thượng cho thần mang quân ra chặn chúng lại.
Thượng hoàng nói:
– Việc chặn đoàn thuyền của Ô Mã Nhi trẫm giao cho Chiêu Đạo vương. Nguyễn Chế Nghĩa mang ba nghìn quân sang sông, phá hết các cầu trên đường đi của Trình Bằng Phi rồi phục binh ở hạ lưu sông Cầm mà đánh chúng.
Nguyễn Chế Nghĩa mang quân đi ngay. Trình Bằng Phi vừa hành quân vừa phải sửa cầu đường nên rất chậm, đến chỗ sông Cầm gặp sông Thái Bình nước chảy mạnh quá, không thể đi được nữa. Tháp Xuất nói:
– Lòng sông vừa rộng vừa sâu, nước chảy xiết, ngựa không thể qua được, nên cho lính bắc cầu phao mà đi.
Trình Bằng Phi nghe theo, sai Kiển Vĩ, Mao Tích Dương đem quân đi thực hiện. Bên kia, Nguyễn Chế Nghĩa thấy quân Nguyên làm cầu, mới cho một nghìn năm trăm tay nỏ phục sẵn trên bờ. Quân Nguyên làm cầu xong, Trình Bằng Phi đưa quân tiến sang. Nguyễn Chế Nghĩa liền phất lá cờ lệnh. Lính Việt nhất loạt bắn xuống. Người ngựa quân Nguyên trúng tên chết nhiều lắm. Mao Tích Dương cầm cây búa lớn đi đầu, trúng liền ba bốn mũi tên vào mặt, tên cắm trên mình ngựa dày như lông nhím. Mao Tích Dương lăn xuống nước chết cả người lẫn ngựa. Quân Việt ùa ra chặt đứt cầu phao. Trình Bằng Phi không làm thế nào được phải quay binh trở lại, mặc cho đoàn thuyền của Ô Mã Nhi đi dưới sông không có người hộ vệ. Tháp Xuất nói:
– Lính ta đã thiệt hại nhiều, bây giờ về theo đường cũ, quân Nam mai phục chẳng nguy lắm sao? Chi bằng đánh vào các ấp gần đây, bắt dân đưa theo đường tắt trong rừng mà về mới yên được.
Trình Bằng Phi nghe theo, đem quân vào làng bắt được mấy người dân dẫn qua rừng ngay trong đêm về Vạn Kiếp.
Trong khi đó Chiêu Đạo vương Trần Quang Xưởng đem binh thuyền ngược lên thượng lưu, đón đánh đoàn thuyền của Ô Mã Nhi. Binh thuyền vừa tiến ra, thấy hai đoàn thuyền chiến từ thượng lưu lao xuống vun vút. Các tướng đều nói:
– Chẳng lẽ thuyền quân Nguyên đã đến được đây!
Trần Quang Xưởng liền cho các đội dàn thành thế trận sẵn sàng đón đánh. Lát sau hai đoàn thuyền ấy tới gần, nhìn rõ hiệu cờ có chữ Việt bay phấp phới. Hai viên tướng đứng ở mũi thuyền đi đầu cùng khoanh tay chào Chiêu Đạo vương. Chiêu Đạo vương hỏi:
– Các ngươi là quân từ đâu tới.
Một trong hai tướng ấy nói:
– Tôi là kinh lược xứ Nguyễn Xuân, còn vị này là hào trưởng Hoa Duy Thành. Chúng tôi nghe tin thánh giá về đây nên đến chầu và xin theo đi đánh giặc.
Trai đinh trong thuyền của hai tướng ấy đều hô to:
– Sát Thát! Sát Thát! Xin thánh thượng cho đi đánh giặc! Xin thánh thượng cho đi đánh giặc!
Chiêu Đạo vương dẫn hai tướng vào diện kiến nhà vua. Thượng hoàng mừng lắm cho Xuân và Thành theo Chiêu Đạo vương lên đường. Chiêu Đạo vương mai phục quân bộ bên hữu ngạn, quân thuỷ chặn đánh phía trước. Tướng Nguyên là vạn hộ Lưu Khuê đi tiên phong gặp quân Việt. Hai bên đánh nhau quyết liệt. Ô Mã Nhi sợ quân Việt cướp mất đội thuyền chở đồ cướp được1 đi đằng sau nên cố giữ. Thuyền quân Nguyên không thể đi nhanh, mỗi ngày chỉ nhích lên được vài dặm. Mấy ngày sau quân Nguyên đi đến đoạn sông gần Dương Nham. Tướng quốc Tá Thiên vương Trần Đức Việp xin thượng hoàng tập trung quân đánh lớn. Thượng hoàng phán:
– Hưng Đạo vương đã có chủ định rồi. Trong việc binh bị, trẫm cũng dưới quyền ông ấy, không thể làm khác được. Cứ để cho chúng đi qua, ta chặn ở phía sau, đợi đúng ngày giờ tung quân ra thì giặc Hồ không thể không đại bại.
Các tướng nghe phán như vậy đều phục theo. Mãi chiều ngày mùng bảy tháng ba âm lịch (08-4-1288) đoàn thuyền của Ô Mã Nhi mới tới được ngã ba Đụn là điểm đầu của sông Giá và sông Đá Bạc2. Ô Mã Nhi nói:
– Có lẽ từ đây mới đỡ bị quân Nam chặn đánh.
Phàn Tiếp bảo:
– Tôi chỉ sợ từ đây mới là nơi quân Nam đại tập quân ta.
Phàn Tiếp nói vừa dứt lời, từ một ngách sông, tướng Việt là Trần Quốc Thành mang quân chặn đánh. Quân Nguyên hoảng loạn cả lên. Lưu Khuê nói lớn:
– Các ngươi không làm sao phải sợ, để ta mở đường cho mà đi.
Nói xong thúc tiền quân tiến lên giao chiến với quân Việt. Trần Quốc Thành đánh một lúc rồi lui quân xuống sông Đá Bạc. Lưu Khuê định đuổi theo. Phàn Tiếp nói:
– Chúng nhử quân ta đấy, chớ đuổi, rẽ sang sông Giá mà đi. Lưu Khuê tuân lệnh, đưa tiền quân rẽ
vào sông Giá.
Sông Giá sâu mà hẹp, là đường quân Nguyên đã quen đi qua nhiều lần. Hơn sáu trăm chiến thuyền cỡ lớn kéo một hàng dài quá mười dặm. Lưu Khuê dẫn tiền quân đến gần Trúc Động, có một đoàn thuyền Việt ra chặn lại. Trên chiếc ưng thuyền đi đầu là một tướng mặc áo đạo sĩ màu trắng, có dũng sĩ râu rậm mà quăn cầm cây tam đoạn thiết tiên đứng hộ vệ. Trên đỉnh cột buồm tung bay lá cờ hiệu Chiêu Văn vương. Ô Mã Nhi nói:
– Bỏ mẹ! Lại gặp thằng cha đạo sĩ phải gió này rồi. Chính nó cướp mất ba trăm thuyền ở Tháp sơn làm ta suýt bị chặt đầu.
Phàn Tiếp nói:
– Không còn cách nào khác, phải thúc quân lên mà đánh thôi.
Nói xong giục Lưu Khuê tiến lên. Quân Nguyên chưa kịp tiến lại thấy bên quân Việt, bọn Triệu Trung, Giả Cương, Tiết Hùng, Trương Tích, bốn tướng cùng dẫn thuỷ đội xông ra. Tên bay pháo nổ vang trời dậy đất. Bấy giờ đã gần tối, quân Nguyên đang không biết làm cách gì chống đỡ, bỗng có một toán quân Việt do thủ hạ của Chiêu Văn vương là Dương Lâm dẫn đầu ở trên bờ kéo đến, hàng vạn ngọn đuốc sáng rực dàn ra. Lính Việt ném mã phong pháo xuống thuyền quân Nguyên. Thuyền Nguyên bốc cháy ngút trời, binh lính kêu khóc không khác gì trẻ con lạc mẹ. Ô Mã Nhi thấy tình thế nguy khốn mới lệnh cho đổi hậu quân làm tiền quân theo đường sông Đá Bạc mà chạy. Phàn Tiếp bảo:
– Đi theo đường ấy rất xa, gặp lúc nước triều xuống, quân ta chết cả mất.
Ô Mã Nhi nói:
– Chỉ cần vào được sông Chanh là sống rồi.
Nói xong lấy Trương Ngọc làm tiên phong tiến ra sông Đá Bạc, Lưu Khuê đoạn hậu chống với Trần Nhật Duật. Chiêu Văn vương Trần Nhật Duật thấy thuyền quân Nguyên chạy theo đường sông Đá Bạc, không đuổi theo, cho quân xuôi xuống đón giặc ở ngã ba sông Bạch Đằng và sông Chanh cùng với Trần Dương. Ô Mã Nhi chạy đến sáng ngày hôm sau ( mùng tám tháng ba âm lịch), thấy nước triều đang xuống nhanh, mừng lắm, hối các tướng đi cho mau để ra bể. Chẳng ngờ quân Việt đã đóng cọc xong, Nhân Đức vương, Trung Thành vương, Nguyễn Khoái đem quân lên cùng với Trần Quốc Thành chặn đoàn thuyền quân Nguyên lại không cho đi. Thuyền vua Trần đã đuổi sát hậu đội của Lưu Khuê. Thượng hoàng gọi Trần Quốc Bảo1 đến, dặn:
– Ngươi mang một đạo quân lên giữ núi Tràng Kênh, thấy nước còn to, phất lá cờ đỏ để Nhân Đức vương, Nguyễn Khoái đánh mạnh, không cho giặc vào sông Chanh. Khi nào thấy nước xuống cạn, đầu cọc hơi nhô lên, phất lá cờ trắng để quân ta dãn ra lấy đường cho quân nó vào bãi cọc.
Ô Mã Nhi cố sống cố chết đánh xuống cửa Bạch Đằng lại gặp ngay quân của Chiêu Văn vương Trần Nhật Duật cùng Trung Hiến hầu Trần Dương đánh bật trở về. Khi đó trời mới sáng được một lúc, nước sông còn lớn, Nhân Đức vương, Trung Thành vương, Nguyễn Khoái thấy trên núi U Bò phất lá cờ đỏ, tận lực đánh, quân Nguyên không sao vào được sông Chanh. Phàn Tiếp chỉ dãy núi đá Tràng Kênh, nói:
– Để tôi đem quân vào bờ, đánh chiếm dãy núi kia, đặt pháo bắn tan đội hình quân Nam, mới đi được.
Ô Mã Nhi giục:
– Vậy ông phải đi mau không đến lúc nước cạn quân ta nguy lắm.
Phàn Tiếp liền đem mười lăm thuyền chở pháo đánh lên bờ, gặp ngay đội quân của Trần Quốc Bảo. Hai bên đánh nhau dữ dội đến gần trưa, Phàn Tiếp không thể nào đặt được pháo. Phía sau quân của vua Trần đánh dồn lên. Lưu Khuê trúng tên, rơi xuống nước trôi mất xác. Chúc Dĩ cố đánh cản, bị Trần Quang Xưởng chém một nhát đứt ngang người. Quân Nguyên nghẽn ứ trong ngã tư sông Rừng. Bốn mặt đều là quân Việt. Trần Quốc Bảo thấy nước sông đã cạn, mới phất lá cờ trắng làm hiệu. Nhân Đức vương, Trung Thành vương, Nguyễn Khoái trông thấy liền dãn thuyền ra hai bên nhường lối. Ô Mã Nhi thấy có đường đi thì sướng quá nghĩ là sẽ thoát, liền lệnh cho tướng sĩ mau lao cả vào sông Chanh để ra biển, không ngờ đoàn thuyền đi đầu đâm rầm vào bãi cọc phủ cỏ ở phía trước. Thuyền vỡ, nước ồ vào. Quân Nguyên hoảng hồn kêu khóc như ma điên, quỷ đói. Đỗ Hành, Nguyễn Thức cùng dân binh đốt bè lửa cháy đùng đùng thả trôi xuống. Trong vòng mấy chục dặm chỉ nghe thấy tiếng quân Việt hô: “Sát Thát! Sát Thát!” vang trời dậy đất. Ô Mã Nhi không biết Lưu Khuê đã chết, bảo Trương Ngọc:
– Hậu quân tan nát hết cả. Ngươi quay lại giúp Lưu Khuê chặn quân Nam.
Trương Ngọc vội quay thuyền lại, gặp đúng thuyền của Nguyễn Chế Nghĩa vừa tới. Chế Nghĩa dùng tên dài, bắn một phát. Trương Ngọc trúng tên lộn xuống sông2. Phàn Tiếp đang đánh nhau với Trần Quốc Bảo ở trên bờ lại thấy có một tướng Việt râu xồm, tay cầm cây đao cực lớn, dẫn đầu đội dân binh đến ứng chiến. Tướng ấy quát to lên rằng:
– Có ta là Vũ Đại râu xồm đến đây.
Nói xong, hoa đao đánh tới. Phàn Tiếp đã không đánh nổi một mình Trần Quốc Bảo, lại thấy Vũ Đại quá mức dữ tợn, hoảng hốt ù té chạy ra bờ sông, bị Vũ Đại nhặt hòn đá lớn ném trúng lưng, lăn ùm xuống nước. Quân Việt lấy câu liêm móc vào áo lôi lên tóm được. Bọn lính Nguyên theo Phàn Tiếp bị quân của Trần Quốc Bảo và Vũ Đại giết sạch. Còn bốn cỗ pháo cũng bị quân Việt lấy mất cả. Bấy giờ ở giữa sông thuyền bè quân Nguyên chồng đống lên nhau, lửa bốc như cháy rừng. Ô Mã Nhi đứng giữa vòng vây, chỉ thấy:
Khói phủ kín trời
Máu loang đỏ nước
Tham chính tim đập chân run
Vạn hộ mắt hoa mặt tái
Tên bắn như mưa rào đầu Hạ
Pháo nổ tựa sấm dậy cuối Xuân
Thuyền chồng chất xô va tơi tả
Lính thét gào bấu víu mê tơi
Ra bể thì không lối
Lên cạn lại bị vây
Quân không biết tướng ở đâu mà tìm
Tướng chẳng nhớ quân chỗ nào mà gọi
Nhật nguyệt tối tăm
Đất trời chao đảo
Lại thấy
Vua An Nam cầm cờ lệnh, tay giơ cao hô: Đánh!
Tướng Đại Việt múa giáo dài, chân bước tới thét: Đâm!
Dân kéo đến tầng tầng lớp lớp
Lính dồn về điệp điệp trùng trùng
Người nào người nấy hở hở hăm hăm
Cha dùng trí già bày mưu đặt kế
Con lấy sức trẻ múa giáo bắn tên.
Trước cảnh ấy, Ô Mã Nhi không còn bình tĩnh được nữa, luống cuống rơi ngay xuống sông, cạnh thuyền của Trần Thánh tông. Minh tự Đỗ Hành trông thấy, nhẩy xuống tóm lên dâng cho thượng hoàng. Tích Lệ Cơ, Điền Soái, Đào Đại Minh, Trần Trọng Đạt, kéo theo một lũ lốc nhốc quân tướng dạt sang tả ngạn, bị dân binh tổng Hà Nam, phủ Yên Hưng đánh rát một trận, tóm gọn cả. Chính vì thế nơi ấy có câu hát rằng:
Sông Bạch Đằng là nơi cửa ải
Tổng Hà Nam là bãi chiến trường.
Bồ Tý Thành chạy vào làng Đoan Lễ, chẳng ngờ lý trưởng làng Đoan Lễ là Lý Hồng phục tráng đinh bắn chết. Sầm Đoan bị thương ở vai, cùng mấy tên quân chạy đến ven làng Do Lễ, gặp ngay trương tuần làng ấy là Vũ Nguyên đang đem tráng đinh tìm bắt giặc. Sầm Đoan sợ quá, cắn răng chịu đau chạy ra phía bờ bể. Vũ Nguyên cầm cái đòn càn dài gần một trượng đuổi theo, phang một nhát vào chân Sầm Đoan. Đoan ngã sấp mặt xuống bùn, bị tráng đinh của Nguyên bắt đem về. Dân các làng Phục Lễ, Phả Lễ theo anh em Trần Hộ, Trần Độ đi bắt được nhiều quân Nguyên lắm, đều nộp cho nhà vua. Vua Trần sai nội quan ghi công những người dân ấy để sau ban thưởng. Đến nay dân vùng Yên Giang còn giữ được bức hoành phi vua Trần phong là “Yên Giang nghĩa dân”. Vua Trần cùng quân dân đuổi đánh quân Nguyên đến chiều, bắt được hết giặc. Các bậc hào trưởng trong vùng muốn rước nhà vua vào làng mở hội mừng công. Thượng hoàng phán rằng:
– Trong chiến thắng hôm nay, từ vua đến dân ai cũng có công cả. Bây giờ chưa phải lúc mở hội mừng. Để trẫm đi giúp Hưng Đạo vương đánh xong Thoát Hoan sẽ cùng vui với trăm họ.
Dân chúng, quân lính hô to:
– Vạn tuế! Vạn tuế!
Nước triều lại ào ạt dâng lên làm tiếng hô càng thêm vang động. Bạch Đằng Giang là một trận hoả công thuỷ chiến nổi tiếng trong lịch sử chống xâm lăng của dân tộc Việt Nam. Cho đến nay (Thế kỷ XXI) nơi ấy vẫn còn câu ca rằng:
Bạch Đằng một trận hoả công
Binh giặc đại phá, đầy sông máu đào1.
Thượng hoàng Trần Thánh tông dặn Chiêu Văn vương, Nhân Đức vương, Trung Thành vương, Chiêu Đạo vương, Nguyễn Khoái ở lại thu dọn chiến trường, còn mình cùng vua Trần Nhân tông, Trần Đức Việp từ giã chúng dân, mang Nguyễn Chế Nghĩa, Trần Quốc Thành, Trần Quốc Bảo, Trần Dương đi theo đường sông Ba Chẽ, vượt đèo
rừng sang Động Bản.
Quân của vua Trần vừa đại thắng, khí thế đang hăng nhưng vì mới tác chiến dài ngày, nay lại vượt đèo qua dốc, gian lao vất vả lắm. Nguyễn Chế Nghĩa lo cho sức khoẻ của thượng hoàng và nhà vua, nói:
– Xin thượng hoàng cùng quan gia lên kiệu để chúng thần rước sang đèo.
Thượng hoàng truyền rằng:
– Các ngươi vừa dốc sức lập công, ai cũng mỏi mệt. Lẽ nào trẫm lại làm cho quân sĩ mệt thêm. Trẫm còn đi được!
Nói xong cầm ngọn giáo chống làm gậy mà lên đèo. Quân sĩ nghe thượng hoàng nói vậy đều cảm động. Vua Trần Nhân tông bảo các tướng:
– Sao các khanh không kể chuyện vui cho quân sĩ quên bớt nỗi mệt nhọc?
Các tướng còn đang chưa biết kể chuyện gì, anh lính tốt làng Cao Duệ, tên là Phạm Trí nói:
– Tâu bệ hạ! Tiểu binh xin ra một câu đố có được không ạ.
Nhà vua tươi cười nói:
– Tốt quá! Tốt quá. Ngươi cứ đố đi.
Phạm Trí đố rằng:
– Một lòng vì nước vì nhà
Người mà không biết, giời đà biết cho
là cái gì?
Mọi người còn đang chưa biết giảng ra sao, một anh lính làng Cao Duệ khác tên là Mai Văn Quyển nói:
– Tâu hoàng thượng! Tiểu binh xin giảng.
– Nhà ngươi cứ giảng đi.
– Tâu hoàng thượng! Là ông Cao Lỗ. Ông ấy một lòng vì nước mà bị An Dương vương đuổi. Nỗi oan chẳng phải chỉ có giời mới biết hay sao?
Cả hai vua cùng quân tướng đều cười, nói:
– Giảng hay lắm! Giảng hay lắm. Đố cũng hay mà giảng cũng hay.
Phạm Trí láu lỉnh bảo:
– Đố thì đương nhiên hay rồi nhưng giảng chưa đúng. Vì ông Cao Lỗ ai cũng biết hết lòng vì nước, nhưng còn vì nhà thì sao?
Mai Văn Quyển cự lại:
– Không phải Cao Lỗ, là cái gì?
Phạm Trí cười, bảo:
– Nó là cái máng nước hứng ở mái nhà nhá.
Nhà vua phán:
– Đúng! Hay lắm. Ngươi đố nữa đi.
– Thần xin đố một câu nữa:
Chiều dài một gang
Chiều ngang một tấc
Mình cỏng còng cong
Làm cho con gái bà dòng tả tơi
Dù ai đi ngược về xuôi
Đi ngang về tắt chẳng rời cỏng cong
Làm cho bà sư đau lòng
Suốt đời chẳng mó cỏng cong lần nào, là cái gì.1
Một anh lính tốt nói
– Cái gì mà chiều dài chỉ có một gang, chiều ngang một tấc, cỏng cong. Mà lại làm cho con gái bà dòng tả tơi.
Phạm Trí bảo:
– Nói là một gang nhưng có khi chỉ là nửa gang hay hơn một ít, còn một tấc là khoảng gần hai đốt ngón tay ấy.
– A! Thằng này đố bậy anh em ơi.
Các chú lính nghe nói vậy, cười ầm lên. Nhà vua cũng cười. Phạm Trí bảo:
– Không bậy! Không bậy. Không bậy tý nào.
– Không bậy thì là cái gì?
– Nó là cái lược thưa nhá.
Mọi người ắng đi một lát rồi mới bảo:
– ừ nhỉ!
Các chàng lính có đà, cứ thế vừa hành quân vừa nói chuyện, cười vui quên cả mệt. Thượng hoàng thấy Phạm Trí hóm hỉnh, hỏi:
– Nhà ngươi quê ở nơi nào?
– Tâu thượng hoàng! Tiểu binh cùng mấy anh em đây đều là ngươi làng Cao Duệ, huyện Trường Tân ạ.
– Làng Cao Duệ có ông Phạm Hữu làm thuốc phải không?
– Tâu thượng hoàng! Ông Phạm Hữu là ông nội của tiểu binh đấy ạ.
– Ô ồ! Ông Phạm Hữu có cháu nội đi lính lớn thế này cơ à?
– Tâu thượng hoàng! Em trai của tiểu binh cũng trong đoàn quân này đấy ạ.
– Tốt tốt! Gia đình ngươi tam đại vi binh có công với nước, đáng quý thay.
– Tâu thượng hoàng! Tam đại vi binh thì làng tiểu binh nhiều lắm. Anh em đây đều thế cả.
– Trẫm biết rồi! Làng các ngươi là Cao Duệ thuộc tổng Thị Đức2, huyện Trường Tân, châu Hạ Hồng. Năm Nguyên Phong ông nhà ngươi đã buộc chỗ đau ở tay cho trẫm. Ông nội ngươi còn khoẻ không?
– Tâu thượng hoàng! Ông nội tiểu binh đã ngoài tám mươi rồi nhưng còn khoẻ lắm.
– Tốt! Tốt. Mấy năm trước trẫm có gặp ở hội nghị Diên Hồng.
Từ khi Thoát Hoan cho Ô Mã Nhi đi rồi, ở lại đợi thời cơ nhổ trại. Sáng ngày mùng Ba tháng Ba năm Mậu Tý (04-4-1288), Trình Bằng Phi về đến nơi báo lại mọi chuyện. Thoát Hoan bực mình, nói:
– Bọn Nam man này gớm thật, quân ta đi đến đâu nó cũng theo đánh. Các ngươi mang quân đốt hết các doanh trại bỏ không của chúng quanh đây đi.
Trình Bằng Phi thưa rằng:
– Việc ấy chớ nên. Cứ để yên cho chúng đuổi Ô Mã Nhi, ta lẳng lặng mà lui binh thì hơn. Nếu đốt doanh tại của nó khác chi đương yên hàn lại chọc tổ ong bầu. Chúng đến vây đánh, chống làm sao?
áo Lỗ Xích nói:
– Quan Hữu thừa nói rất đúng. Xin thái tử chớ làm như vậy. Thoát Hoan nghe lời ấy mới không đốt nữa.
Vài hôm sau Thoát Hoan triệu các tướng, thương nghị rằng:
– Ô Mã Nhi đã đi được gần mười ngày, không có tin tức gì về, chắc là ra tới bể. Quân Nam hẳn cũng theo xuống phía ấy. Quân ta ở đây có thể rút được rồi. Ta muốn cử một đội đi trước sang đường Lão Thử để dò lực lượng người Nam. Ai có thể đi được?
Đạt lỗ hoa xích là Tích Đô Nhi đứng ra thưa rằng:
– Mạt tướng tuy bất tài cũng xin đi đường ấy.
Thoát Hoan liền cấp cho Tích Đô Nhi một vạn quân, lập tức lên đường. Tích Đô Nhi dẫn quân đi đến sáng hôm sau quay lại. Lính tráng tả tơi, nhiều kẻ thương tích đầy mình. Lại có đứa tự nhiên rú lên, lăn ra chết. Thoát Hoan hỏi:
– Các ngươi đã gặp chuyện gì.
Tích Đô Nhi thưa:
– Chúng tôi đi chưa được bao xa đã gặp phục binh của quân Nam vây đánh. Tướng Nam tự xưng là công chúa Bảo Hoa. Chúng bắn tên thuốc độc, quân ta đánh mệt, thiếu ăn, thất sắc1 chết mất mấy nghìn người. Những lính vừa lăn ra đây chính là bị chất độc phát tác đấy.
Các tướng Nguyên nghe nói vậy đều sợ xanh cả mắt. áo Lỗ Xích nói:
– Xin thái tử cho lên đường ngay, kẻo quân chúng tập trung chặn đường không thể đi được nữa.
Thoát Hoan nghe theo, mới truyền cho các tướng lập tức nhổ trại lên đường, lấy hữu thừa A Bát Xích làm tiên phong, kéo thẳng về Nội Bàng. Hôm ấy là ngày mùng bảy tháng ba năm Mậu Tý (08-4-1288). Ngày mùng mười âm lịch, Thoát Hoan đến Nội Bàng, chưa kịp nghỉ ngơi đã thấy quân của Hưng Đạo vương bốn mặt kéo đến buả vây, đánh rát một trận. Quân Nguyên không chống cự được, chạy dồn về ải Nữ Nhi. Vua Trần đã tới nơi, Nguyễn Chế Nghĩa chỉ huy đội cung xạ ở trên sườn núi, trông thấy A Bát Xích đem quân đến, mới bảo quân sĩ:
– Các ngươi giương cung sẵn sàng, khi nào ta bắn chết tên tướng kia, các ngươi cùng bắn xuống.
Lát sau A Bát Xích đến cách chừng trăm bộ. Nguyễn Chế Nghĩa dùng cung cứng bắn một phát. Mũi tên xuyên qua thái dương, A Bát Xích lăn xuống ngựa chết. Quân Việt nhất loạt buông tên. Lính Nguyên chết hại dưới dốc không biết bao nhiêu mà kể, hò nhau quay lại làm hàng ngũ rối loạn cả lên. Thoát Hoan đang chưa biết đối phó thế nào, có thám binh về báo:
– Vua Nam cùng Trần Quốc Tuấn phục ba mươi vạn quân suốt từ ải Nữ Nhi đến đèo Khâu Cấp. Trên đường đào đầy hố bẫy ngựa, không thể đi được.
Thoát Hoan run lên, nói:
– Thôi! Thế này hôm nay ta chết thật rồi.
Các tướng Nguyên cũng đều bủn rủn chân tay. Hoàng Kiều nói:
– Xin thái tử chớ ngại. Tôi ở biên giới này đã lâu nên có biết một con đường tắt qua huyện Đơn Ba2. Để tôi dẫn đường.
áo Lỗ Xích lệnh cho Hoàng Kiều dẫn Lưu Thế Anh, Đáp Lạt Xích đánh mở đường máu dẫn Thoát Hoan chạy vào lối tắt mà đi, lại lệnh cho vạn hộ hầu Trương Quân chặn hậu. Trương Quân tuân lệnh đem ba nghìn lính chặn ở phía sau. Tướng Việt là Phạm Ngũ Lão đuổi tới, hai bên giao phong, Trương Quân bị Phạm Ngũ Lão đâm một giáo vào lách tả, lăn xuống chết1. Tốc Khả Lạc Tốc, Lạc Hoa Cáp Nhi, Dịch Lợi, Phương Võ Thực cùng cầm binh khí xông vào ngăn Phạm Ngũ Lão lại. Ngũ Lão múa ngọn giáo vù vù, đánh một hồi, đâm chết Phương Võ Thực. Ba tướng kia sợ quá chạy mất. Đường Ngột Đải lọt giữa vòng vây, cố sức đánh ra nhưng không thoát, bị Hưng Vũ vương Trần Quốc Nghiễn bắt sống. Bọn Mai Thế Anh, Tiết Văn Chính cũng đều bị bắt cả. Trình Bằng Phi cùng áo Lỗ Xích liều chết bảo vệ Thoát Hoan qua huyện Đơn Ba đến Lộc Bình rồi lủi qua đường hẻm sang được biên giới. A Thai theo Thoát Hoan không kịp bị thổ quan bắt được dâng cho vua Đại Việt2. Mấy chục vạn quân Nguyên tan nát cả. Lính Nguyên chết như ngả rạ đầy đường. Thật là một trận đánh cổ kim ít thấy. Hưng Đạo đại vương Trần Quốc Tuấn đã quét sạch đạo quân xâm lược hùng mạnh, hung bạo nhất thiên hạ thời bấy giờ ra khỏi bờ cõi.
Thoát Hoan, áo Lỗ Xích về đến Tư Minh thu nhặt tàn quân, cho ái Lỗ về Vân Nam nhưng ái Lỗ khiếp sợ quá, ốm liệt dọc đường, miệng luôn gào:
– Chúng bắn! Chúng bắn.
Về đến Vân Nam thì chết.
Đúng là:
Tòng chinh lão thú tằng kinh chiến
Thuyết đáo Nam chinh các tự sầu3.
Đ.T