Đât Việt trời Nam- tiểu thuyết lịch sử của Đan Thành – chương 53)

ĐẤT VIỆT TRỜI NAM (Chương 53)

Đan Thành

Hạ Chi thương khóc Mã Lục Sư

Ô Mã đi tìm Trương Văn Hổ…

ĐẤT VIỆT TRỜI NAM (Chương 53)

Đan Thành

Hạ Chi thương khóc Mã Lục Sư

Ô Mã đi tìm Trương Văn Hổ…

Đang nói Thoát Hoan giận Ô Mã Nhi không hộ tống thuyền lương cẩn thận để quân Việt cướp mất, thét võ sĩ lôi ra chém, lại không cho ai can ngăn. Tham tri chính sự là Bất Nhan Lý Hải Nha nghe vậy liền tức tốc vào thẳng tướng doanh. Thoát Hoan trông thấy, hỏi:

– Tham chính đến có việc gì?

Bất Nhan Lý Hải Nha nói:

– Tôi đến xin cho Ô Mã tham chính.

Thoát Hoan quắc mắt, hỏi:

– Ngươi không biết ai xin cho Ô Mã Nhi cũng bị giết hay sao?

– Tôi có biết.

– Có biết mà còn cố phạm. Quân đâu! Đem tên này ra giết cùng Ô Mã Nhi cho ta.

Bốn võ sĩ xông vào. Bất Nhan Lý Hải Nha nói:

– Có lời nói hay, chưa nói đã chết thì không nhắm được mắt. Thái tử hãy bình tâm nghe tôi nói xong rồi muốn giết cũng chưa muộn.

Thoát Hoan bảo:

– Được! Ngươi không sợ chết cứ nói đi.

Bất Nhan Lý Hải Nha mỉm cười, nói:

– Sự sống chết của cái mạng tôi là rất nhỏ. Tôi chỉ lo cho số phận của mấy chục vạn quân ta cùng sự nghiệp của thái tử mà thôi. Nay dẫu Trần Khánh Dư có đánh thắng được Trương Văn Hổ cũng không thể cướp hết được lương thảo. Các thuyền lương của quân ta tất nhiên còn những cái trôi dạt trên bể lớn. Xin thái tử tha cho Ô Mã Nhi rồi cử ông ấy vượt cửa Giao Hải ngược lên biển Đại Bàng, tiến thẳng đến Nam Triệu xem có đón được ai không. Mặt khác quân ta ở đây hết lương thực, quan bình chương vào núi kiếm được mấy xe củ sắn, củ dong đem về cho quân sĩ ăn nhưng nhiều người không quen bị say chảy cả bọt mép, lử khử lừ khừ. Thái tử nên thu quân về Vạn Kiếp. ở đấy Trình Bằng Phi thế nào cũng còn ít nhiều lương thảo cho quân trụ được dăm bữa nửa tháng rồi đợi Hạ Chi, Hoàng Kiều tải lương từ Nội Bàng tới. Quân ta có được lương của Hạ Chi không còn lo gì nữa. Tôi nói xong rồi. Thái tử muốn giết, tôi xin cam lòng.

Thoát Hoan đổi nét mặt, nói:

– Ta rõ rồi! Không ai nỡ giết một người có tấm lòng như ngươi.

Nói xong, hạ lệnh tha cho Ô Mã Nhi, bắt phải cùng Phàn Tiếp đem binh thuyền đi tìm Trương Văn Hổ. Ô Mã Nhi tiếp được lệnh tha, sướng như bố sống lại, liền về thuỷ trại cùng Phàn Tiếp kéo quân xuống phía cửa Giao Hải. Chuyện này để sau sẽ nói.

 

 

Bấy giờ Hưng Đạo vương Trần Quốc Tuấn đóng quân ở Hoá Giang1, được tin Trần Khánh Dư đánh tan thuyền lương của Trương Văn Hổ, mới triệu các tướng đến, rút gươm chỉ xuống sông, thề rằng:

– Trận này không phá xong giặc Nguyên, quyết không về đến sông này nữa2.

Nói xong, liền lệnh cho các tướng đem quân thuỷ bộ về Vạn Kiếp. Hưng Trí vương Trần Quốc Hiện nói:

– Thoát Hoan đang ở Thăng Long, sao phụ vương lại đưa quân về vây Vạn Kiếp?

Hưng Đạo vương nói:

– Quân giặc không còn lương thảo, chẳng bao lâu tất chúng tự rút về giữ Vạn Kiếp. Ta phải điều ngay quân để kịp đón đánh chúng.

Trần Quốc Hiện nói:

– Việc dùng binh cốt phải thần tốc. Xin phụ vương chuyển binh tắt qua vùng đầm lầy cho nhanh.

Hưng Đạo vương nghe theo lời ấy mới cho quân chặt tre nứa đan thành phên rải trên mặt bùn lầy để quân sĩ và ngựa đi. Vì thế mà việc chuyển quân được nhanh chóng nhưng buồn thay, các phên nứa không đỡ nổi sức nặng của con voi chiến mà Hưng Đạo vương thường cưỡi. Bốn chân voi lún dần trong bùn. Con voi như biết được chuyện gì đang xảy đến, nó rống lên thảm thiết, huơ huơ cái vòi một cách tuyệt vọng. Hưng Đạo vương rời khỏi bành voi. Người quản tượng làm đủ mọi cách nhưng không sao cho con voi nhấc chân lên được. Lát sau bùn ngập đến bụng voi, con vật rên rỉ kêu cứu. Người quản tượng nói với Hưng Đạo vương :

– Không thể nào làm gì được nữa rồi. Mời vương công lên ngựa đi cho kịp hành quân.

Hưng Đạo vương xoa tay lên đầu voi, nói rằng:

– Voi khôn! Voi khôn! Vận nước đang cơn binh lửa. Ta không thể ở lại chờ ngươi. Đừng gào lên như thế làm cho ta đau lòng.

Con voi như hiểu được lời chủ, nước mắt ròng ròng, gác vòi lên đầu cam chịu sự rủi ro1, không kêu một lời nào nữa. Binh lính đi theo ai cũng thương xót rơi lệ nhưng không làm sao cứu được.

Khi về đến Vạn Kiếp, Hưng Đạo vương  gọi Phạm Ngũ Lão đến dặn rằng:

– Thuyền lương của Trương Văn Hổ đã bị Trần Khánh Dư cướp mất. Thoát Hoan bây giờ chẳng khác gì cá mắc trên cạn, chỉ còn mong chờ vào số lương thực của Hạ Chi từ Nội Bàng tới. Ngươi đem ngay hai vạn quân lên Nội Bàng cùng Hưng Vũ vương Nghiễn, tướng Lương Uất đốt sạch số lương ấy đi, Thoát Hoan không muốn chết cũng không xong.

Phạm Ngũ Lão đến Nội Bàng hội với Hưng Vũ vương Trần Quốc Nghiễn và tướng Lương Uất. Quốc Nghiễn hỏi:

– Hạ Chi, Hoàng Kiều đã tải lương đến đây, muốn chiếm lấy nên làm thế nào?

Lương Uất nói:

– Tôi có một đội quân rất giỏi trèo tường, đêm nay cho chúng đột nhập đốt hết các kho lương đi. Quân Nguyên thế nào cũng xúm lại cứu. Ta nhân lúc quân chúng lộn xộn đánh thành nhất định thắng.

Phạm Ngũ Lão nói:

– Mẹo ấy hay lắm nhưng quân Nguyên canh phòng rất là nghiêm mật, không dễ gì đột nhập vào được, nhỡ việc không xong, ý đồ của quân ta lộ mất. Tôi có một mẹo lấy được Nội Bàng.

Quốc Nghiễn giục:

– Kế ấy thế nào? Ngươi cứ nói.

Phạm Ngũ Lão nói tiếp:

– Thoát Hoan đã hết sạch lương ăn mà chưa biết Hạ Chi đã tải lương đến Nội Bàng. Ta cho người giả làm quân của Hạ Chi báo tin cho Thoát Hoan ở Thăng Long. Thoát Hoan thế nào cũng cho người đến giục Hạ Chi chuyển lương đến Vạn Kiếp. Ta phục quân bắt lấy sứ giả rồi tráo người của mình vào, bảo Hạ Chi cho chuyển lương theo đường sông. Ta lại tập kết sẵn thuyền ở Bãi Tân nói là thuyền của Thoát Hoan đến đón quân lương. Đợi khi chúng cho lương lên đầy thuyền, tôi xin tung quân vào đánh cướp lấy. Hạ Chi sợ mất lương, sẽ mang quân tới cứu. Lương tướng quân chặn đường mà đánh. Lúc này thành Nội Bàng không có người giữ. Thiếu vương gia đem quân đến đánh, chúng chống sao nổi.

Trần Quốc Nghiễn vỗ tay cười, bảo:

– Cha ta thường ngày vẫn khen ngươi là người tài trí, có ý gả nghĩa muội ta cho, thật không sai. Đánh giặc xong thế nào ngươi cũng thành em rể ta đó.

Phạm Ngũ Lão xấu hổ đỏ mặt, khoanh tay, nói:

– Cảm ơn thiếu vương gia đã quá khen.

Đây nói Hạ Chi đóng quân lại Tư Minh để bảo vệ quân nhu cùng bằng gia thân quyến của các tướng lĩnh và người nhà của “An Nam quốc vương” Trần ích Tắc, bỗng thấy Hoàng Kiều trở về nói:

– Đại binh đã đánh tan quân Nam, đang tiến nhanh xuống Vạn Kiếp. Tướng quân hãy cho chuyển nhanh lương thảo đến tập kết ở Nội Bàng để đưa lên phía trước cho quân sĩ.

Hạ Chi bảo:

– Ta nghe nói trong quân Nam có một tên tướng chuyên mưu việc cướp lương, tên là Phạm Ngũ Lão. Nhỡ chẳng may gặp nó thì mệt lắm.

Hoàng Kiều cười, bảo:

– Tướng quân sợ gì cái thằng tướng nhãi nhép ấy. Thái tử đã quét rộng đường cho tướng quân rồi. Bọn người Nam thấy quân ta hùng mạnh, sợ mất mật, chạy không kịp đuổi. Thành Nội Bàng không đánh cũng lấy được. Tôi quay về đây, cứ đường lớn mà đi, chẳng thấy bóng dáng một người Nam nào.

Hạ chi nghe nói vậy mới yên trí kéo quân đi, quả nhiên trên đường không gặp trở ngại gì, đúng ngày hai ba tháng chạp đến được thành Nội Bàng. Hợp Nhi Xích A ra thành đón vào. Cho quân sĩ chất đầy lương thảo vào các kho. Trưa ngày hai tám tháng chạp (01-02-1288) có người của Thoát Hoan tới truyền lệnh chuyển quân lương đến Vạn Kiếp. Hạ Chi thấy các thuyền ở Bãi Tân đều cắm cờ Nguyên, có quân lính mặc quần áo người Nguyên canh giữ, mới bảo Mã Lục Sư:

– Ngươi cho quân đem lương lên thuyền để chuyển đi kịp cho thái tử dùng.

Mã Lục Sư nói:

– Tôi xem người sứ giả này ánh mắt lấm lét, đáng ngờ lắm. Sợ có điều gian dối gì chăng.

Hạ Chi nói:

– Thái tử đã có văn thư đóng dấu hẳn hoi đây, làm sao phải sợ chứ?

– Dấu ấn có gì là khó làm giả? Xin tướng quân cẩn trọng.

Hợp Nhi Xích A nói:

– Soái ấn tôi không thạo nhưng chữ trong văn thư này đúng là của tham tri chính sự Bất Nhan Lý Hải Nha soạn ra đây rồi. Hoàng Kiều là người tinh tường, nên để ông ấy xem khắc biết.

Hạ chi cho mời Hoàng Kiều đến. Hoàng Kiều xem văn thư xong, nói:

– Đúng là dấu ấn đại soái của thái tử, không còn nghi ngờ gì nữa.

Hạ Chi liền cho Mã Lục Sư cùng Tư Đồ Bá Am đem hai nghìn lính phu chuyển lương thảo chất đầy hai mươi chiếc thuyền ở Bãi Tân. Công việc gần xong mà không thấy lính trên thuyền nói năng gì, ai cũng lăm lăm tay kiếm, sát khí đằng đằng. Tư Đồ Bá Am nói với Mã Lục Sư:

– Tôi để ý thấy bọn lính trên thuyền rất là đáng nghi. Mà thuyền chở lương của quân ta sao lại toàn một kiểu như thuyền quân Nam vậy. Xin tiết đô sứ hỏi viên tướng kia xem thế nào.

Viên sứ giả đứng ở gần đấy nghe thấy, nói:

– Quân ta đánh thắng mấy trận liền, bắt được bao nhiêu thuyền của quân Nam để dùng, chuyện ấy có gì là lạ.

Mã Lục Sư nói:

– Để ta ra nói chuyện với viên tướng kia – Nói xong đi đến trước mặt viên tướng đứng trên mũi thuyền, hỏi rằng – Tướng quân ở đội nào mà dùng toàn thuyền quân Nam vậy.

Viên tướng ấy nói tiếng Bắc chưa thạo nhưng cũng trả lời rằng:

– Ta là Phạm Ngũ Lão, gia tướng của Hưng Đạo vương Trần Quốc Tuấn đây.

Phạm Ngũ Lão nói dứt lời, đâm mũi thương vào nách Mã Lục Sư. Mã Lục Sư chết ngay không kêu được một tiếng. Sự việc diễn ra nhanh quá làm quân Nguyên ngơ ngác không hiểu ra sao. Giây lâu Tư Đồ Bá Am mới hỏi sứ giả:

– Thế này là thế nào đây?

Sứ giả cười lớn, nói:

– Ta chính là Quách Ngung, thuộc hạ của Phạm Ngũ Lão tướng quân đây. Các ngươi chết đến nơi còn không hàng cả đi ư?

Quân Nguyên nghe vậy, sợ teo cả tai lại, mạnh ai nấy chạy. Tư Đồ Bá Am rút kiếm chém Quách Ngung. Quách Ngung có ý thả cho Bá Am chạy về thành để nhử Hạ Chi ra nên không cố đánh. Bá Am thấy quân lính chạy hết, cũng phóng ngựa về thành báo lại mọi việc với Hạ Chi. Hạ Chi nghe tin Mã Lục Sư chết như vậy, thương xót khóc, nói rằng:

– Thương thay tiết đô sứ là người tinh anh mà phải chết thê thảm như vậy. Cũng vì ta hồ đồ không nhận ra mưu kế của quân Nam.

Thiên hộ hầu Mao Tiêu nói rằng:

– Xin chủ tướng ra thành đuổi bắt Phạm Ngũ Lão.

Hạ Chi nói:

– Ta nghe kể rằng năm trước bốn viên đại tướng của thái tử là Phàn Tiếp, Triệu Tu Kỷ, Nghê Nhuận, Lưu Thế Anh đánh không nổi một mình Phạm Ngũ Lão, còn bị nó đánh cho bị thương. Các tướng ai nghe tên người này cũng đều ngại cả.

Vạn hộ Lý Đạt hăng hái nói:

– Năm trước quân ta thua chạy về nên các tướng cứ tô vẽ cho quân Nam, chứ lẽ đâu có người khoẻ đến như vậy. Tướng quân cứ ra binh, tôi xin đi tiên phong đấu với Phạm Ngũ Lão.

Hạ chi thấy các tướng có lòng như vậy mới để Hoàng Kiều cùng một nghìn quân ở lại giữ thành, còn tự mình dẫn Hợp Nhi Xích A, Tư Đồ Bá Am, Mao Tiêu, Giả Cáp cùng năm nghìn quân ra thành đuổi theo quân Việt. Cho Lý Đạt đi tiên phong. Bấy giờ trời đã về chiều, Phạm Ngũ Lão cho thuyền bơi từ từ về phía Nam Giang1. Hạ Chi đuổi đến cánh rừng gần ngã ba sông, nghe một hồi tù và nổi lên, tiếp theo là chiêng trống vang lừng. Quân Nguyên còn đang ngơ ngơ ngác ngác, bốn phía quân Việt đổ ra đông không biết bao nhiêu mà kể. Tướng Việt là Lương Uất quát to lên rằng:

– Các ngươi đã bị vây cả, không hàng ngay đi, còn định đợi đến bao giờ.

Lý Đạt hăng hái xông lên giao chiến, bị Lương Uất chém một đao, cụt cánh tay tả, phải chạy về. Quân Việt Hô vang: “Sát Thát! Sát Thát”, khép chặt vòng vây. Hợp Nhi Xích A, Tư Đồ Bá Am, Mao Tiêu, Giả Cáp cố sống cố chết mở đường máu nhưng không sao ra khỏi trùng vây. Hai bên đang đánh nhau quyết liệt thì Phạm Ngũ Lão cho ghé thuyền vào bờ, dẫn quân lên tham chiến. Trời tối dần. Hạ Chi nhân lúc đêm về mới đánh dạt vào rừng cố thủ. Quân Việt đốt mấy vạn bó đuốc, sáng rực trời, đánh nhau suốt đêm. Quân Nguyên chết nằm la liệt. Hạ Chi bị một mũi tên vào vai, Mao Tiêu rút mũi tên ra nhưng đầu tên mắc lại bên trong. Sáng hôm sau quân Nguyên chỉ còn chưa đầy một trăm kỵ sĩ. Hợp Nhi Xích A nói với mọi người:

– Tôi xin lấy thân này mở huyết lộ. Tư Đồ Bá Am, Giả Cáp hãy đánh phía sau. Mao Tiêu đưa Hạ tướng quân cùng Lý Đạt theo sát tôi.

Nói xong vung cây búa lớn xông lên, chém ngã năm sáu lính Việt, mở được đường chạy quay về, bỗng có một tướng Việt cầm cây giáo dài đứng giữa đường quát to lên rằng:

– Tướng Nguyên định đi đâu? Có ta là Phạm Ngũ Lão đón ở đây.

Hợp Nhi Xích A bảo Hạ Chi, Mao Tiêu:

– Trong khi tôi đánh nhau với nó, các ngài cứ chạy cho xa.

Nói xong vung búa lao vào giao phong với Phạm Ngũ Lão. Hạ Chi, Mao Tiêu, Lý Đạt được sáu chục kỵ binh bảo vệ chạy thoát ra khỏi vòng vây. Tư Đồ Bá Am, Giả Cáp chặn phía sau, không thoát được, bị quân việt bắn chết cùng mấy chục kỵ sĩ. Hợp Nhi Xích A đánh với Phạm Ngũ Lão, bị đâm một thương xuyên từ nách lên vai, rơi xuống ngựa chết. Hạ Chi chạy khỏi vòng vây khá xa, thấy bả vai đau đớn lắm. Mao Tiêu phải xé áo, khoét thịt lấy đầu tên ra. Quanh vai đã ngấm thuốc độc tím đen cả lại. Quân tướng định kéo nhau về Nội Bàng nhưng trên mặt thành dựng đầy cờ Việt. Hoá ra Nội Bàng đã bị Hưng Vũ vương Trần Quốc Nghiễn chiếm mất rồi. Hoàng Kiều trốn lủi vào rừng đi đường tắt đến Vạn Kiếp với Trình Bằng Phi. Gia quyến các tướng sĩ kẻ chết trong đám loạn quân, người bị bắt, người chạy trốn tan nát hết cả. Lê Trắc cõng Trần Dục mới mười tuổi, – con nhỏ của Trần ích Tắc – chạy trốn suốt đêm, may thoát được về đến Tư Minh2. Hạ Chi thấy thành đã mất, mới cố sức chạy qua được biên giới, thuốc độc ngấm nặng quá, không đi được nữa, quân lính phải tìm xe cho nằm để ngựa kéo nhưng đến Kiến Khang thì chết1.

Trần Quốc Nghiễn, Phạm Ngũ Lão, Lương Uất đánh Nội Bàng đại thắng thu được rất nhiều quân lương, cử người về Vạn Kiếp báo tin vui cho Hưng Đạo vương biết. Người đời sau gọi trận đánh này là “Trận Nội Bàng phá hậu quân” để phân biệt với trận Nội Bàng năm Giáp Thân.

 

 

Nói về Ô Mã Nhi, Phàn Tiếp đem chiến thuyền đi tìm Trương Văn Hổ. Khi đi qua Long Hưng, Ô Mã Nhi nói:

– Nghĩ đến cái thằng Trần Khánh Dư mà tức lộn ruột. Năm trước nó đã làm cho nguyên soái Toa Đô khốn đốn, năm nay lại làm cho ta suýt mất đầu. Đây có lăng một tổ tông vua tôi chúng nó, ta phải đưa quân lên phá một trận cho hả mới được.

Nói xong gọi Bồ Tý Thành, Tôn Khiêm, Sái Lỗi mang năm trăm quân lên phá phách chiêu lăng. Dân Long Hưng thấy Ô Mã Nhi tàn ác như vậy, căm giận lắm. Đào Đại Minh nói với Phàn Tiếp, Trần Trọng Đạt:

– Ô Mã tham chính đánh cả người chết, động đến quỷ thần, e rằng kết quả chẳng có gì tốt đẹp.

Phàn Tiếp nói:

– Để ta đi khuyên giải ông ấy.

Nói xong, đến bảo Ô Mã Nhi rằng:

– Việc tìm Trương Văn Hổ là cấp thiết. Thái tử đang mong chúng ta từng ngày, không nên đánh người chết ở đây.

Ô Mã Nhi không nghe, cứ cho quân phá phách. Phàn Tiếp về thuyền riêng nói với vợ rằng:

– Ô Mã tướng quân đi tìm Trương Văn Hổ  mà mải mê chuyện phá mồ mả vua Trần, trùng trình mãi ở đây, e không được việc. Nàng hãy đến nói với phu nhân của ông ấy mà khuyên can đi.

Vợ Phàn Tiếp đến nói lại với vợ Ô Mã Nhi. Vợ Ô Mã Nhi đợi chồng về, khuyên rằng:

– Người chết đã thuộc về quỷ thần. Xin chàng vì các con, đừng động đến họ.

Ô Mã Nhi bảo:

– Ta đào mả vua Trần, việc gì đến các con mà nàng phải sợ?

Vợ Ô Mã Nhi nói:

– Việc ấy tổn hao âm đức, các con chúng ta yên sao được.

Ô Mã Nhi nghe nói vậy mới thu quân lên thuyền đi tiếp.

Bấy giờ vua Trần đóng thuỷ trại dựa vào các đảo từ cửa Giao Hải lên đến Tháp Sơn, đang hội bách quan bàn việc chống giặc, bỗng có thám thuyền về báo rằng Ô Mã Nhi ra cửa Đại Bàng. Thượng hoàng Trần Thánh tông hỏi:

– Ai dám mang quân ra đánh với Ô Mã Nhi. Chiêu Thành vương, Trung Thành vương, Nhân Đức vương, Chiêu Minh vương, Chiêu Đạo vương, Chiêu Văn vương cùng rất nhiều tướng khác đều xin được đi đánh.

Quyền tướng quốc Tá Thiên vương Trần Đức Việp tâu rằng:

– Việc này xin thượng hoàng giao cho Chiêu Văn vương. Hoàng thượng cùng các tướng khác nên đem quân về Hải Đông hội với Hưng Đạo vương.

Thượng hoàng Trần Thánh tông nghe theo kế ấy, phán:

– Ta giao việc này cho Chiêu Văn. Tháp Sơn là nơi rất thuận lợi cho việc phục binh, khanh hãy kéo quân giặc đến đấy mà đánh.

Chiêu Văn vương Trần Nhật Duật bái lạy nhận mệnh, mang quân đi. Triệu Trung nói:

– Ô Mã Nhi là một kẻ dũng phu, muốn cho nó lọt vào vòng vây cũng không khó gì nhưng chỉ e Phàn Tiếp là người cơ trí khó lừa.

Trần Đạo Chiêu hiến kế rằng:

– Muốn Ô Mã Nhi mắc lừa, phải khích đúng vào cái khí tức của nó. Muốn Phàn Tiếp mắc lừa phải khích đúng vào cái khí kiêu của nó. Xin vương công cứ làm thế này… thế này, nhất định Phàn Tiếp cũng mắc mưu.

Trần Nhật Duật vỗ tay cười, nói:

– Hay! Hay lắm.

Ô Mã Nhi cho dẫn binh thuyền vượt cửa Giao Hải, ngược lên cửa Đại Bàng nhưng không gặp một thuyền quân Việt nào, cũng chẳng thấy tăm tích thuyền của Trương Văn Hổ đâu. Phàn Tiếp nói:

– Ta nên cho nhiều thám binh đi thuyền nhỏ tìm vào các đảo xem có người nào lạc lên đó không. Chỉ cần tìm được một vài người sẽ hiểu ra cơ sự.

Ô Mã Nhi nghe theo mới cho quân tản ra đi tìm còn mình đóng thuỷ trại ở một hòn đảo gần cửa Đại Bàng. Hai hôm sau thám binh đều về báo các đảo gần đấy không hề thấy có bóng người. Bỗng từ phía biển xa xuất hiện một đội thuyền quân Việt chừng hơn chục chiếc tiến đến. Quân sĩ trên thuyền Việt khua chiêng hò reo ầm ĩ. Ô Mã Nhi hỏi Sái Lỗi:

– Bọn quân ấy nó reo cái gì vậy?

Sái Lỗi thưa rằng:

– Quân Nam chúng hô: Chôn xác Toa Đô! Lấy đầu Phàn Tiếp!

– Chúng hô như thế là có ý làm sao?

– Thưa chủ tướng! Chúng hô như thế nghĩa là năm trước chúng đã chôn được xác nguyên soái Toa Đô thì năm nay chúng nhất định lấy đầu Phàn tướng quân đấy ạ.

– Thế chúng không biết có ta ở đây hay sao?

– Để tôi hỏi chúng đã.

Sái Lỗi nói xong, bắc tay lên miệng làm loa hỏi to lên rằng:

– Bọn người Nam kia! Các ngươi được ăn cái gì mà tớn lên thế? Không biết có bạt đô tham chính Ô Mã Nhi ở đây hay sao?

Quân lính bên thuyền quân Việt thấy hỏi như vậy, lăn ra cười. Có một tướng râu rậm, cầm cây tam đoạn thiết tiên, trả lời rằng:

– Ô Mã bạt đô của các ngươi là một tên lính dũng phu, có gì đáng nói. Chỉ có Phàn Tiếp mới hơi ra hồn con nhà tướng một tý mà thôi.

Ô Mã Nhi nghe dịch lại câu ấy, tức lồng lộn, bảo:

– Bọn người Nam giẻ rách này khinh ta thế hay sao. Để ta đem thuyền ra đánh cho nó một mẻ mới được.

Phàn Tiếp can rằng:

– Xin tướng quân chớ nên nóng vội. Đây chính là mẹo khích tướng của quân Nam đó.

Ô Mã Nhi đang lúc nóng giận không nghĩ gì đến sự hay dở, nói:

– Ngươi được quân Nam coi trọng nên không muốn ta đánh chúng chứ gì? Hay là ngươi đã có tư tình với quân Nam rồi?

Phàn Tiếp phân trần:

– Tôi cùng tướng quân đã bao phen vào sống ra chết để phụng sự triều đình, lẽ nào bây giờ chỉ vì một câu nói khích của quân giặc mà tướng quân nghi ngờ tôi sao?

Ô Mã Nhi đang cơn thịnh nộ như lửa bốc bừng bừng, không thể nào nguôi ngay được, bảo:

– Nhà ngươi không có tư ý với quân Nam, hãy cùng ta ra bắt chúng.

– Nếu tôi có tư ý với quân Nam, sao chúng còn muốn lấy đầu tôi?

– Trò vải thưa của các ngươi sao che nổi mắt ta. Ngươi không muốn đánh chẳng phải có tư ý sao?

Phàn Tiếp không biết làm thế nào, đành cùng Ô Mã Nhi đem binh thuyền ra đánh nhau với quân Việt. Quân Việt thấy cờ hiệu Ô Mã Nhi và Phàn Tiếp tiến ra, quay đầu vừa chạy, vừa đồng thanh hô to:

– Phàn Tiếp làm tướng! Ô Mã khù khờ. Phàn Tiếp làm tướng! Ô Mã khù khờ.

Ô Mã Nhi càng tức đẫy, thúc quân đuổi miết. Phàn Tiếp bảo Sái Lỗi:

– Kệ cho quân Nam nói gì thì nói. Ngươi đừng dịch cho Bạt Đô nghe nữa.

Ô Mã Nhi bảo:

– Quân Nam nó nói chẳng sai! Đúng là ngươi muốn làm tướng lấn cả quyền ta. Sái Lỗi! Ngươi phải dịch thật kỹ cho ta nghe xem quân Nam nó nói những gì. Để sót một câu ta thề chém ngươi ra làm mười mảnh đấy.

Sái Lỗi sợ hãi, không dám trái lời. Một lúc sau quân Việt lại hô:

– Phàn Tiếp ngốc nghếch, để mất thuyền lương.

Ô Mã Nhi tức quá, hét lên:

– Chính ông mới làm mất thuyền lương, sao chúng mày câu nào cũng Phàn Tiếp! Phàn Tiếp thế?

Quân Việt thấy Ô Mã Nhi tức điên lên như vậy, vịn nhau mà cười. Ô Mã Nhi ra sức hối thúc bọn thuỷ thủ chèo đuổi, không được nghỉ. Kẻ nào hơi tỏ ra mỏi mệt là bị đánh, nên lúc nào cũng đuổi gần kịp thuyền quân Vịêt. Quá giờ Ngọ, thuyền quân Nguyên đuổi đến một nơi có rất nhiều hòn đảo nhỏ. Ô Mã Nhi hỏi Tôn Khiêm, Sái Lỗi rằng:

– Các ngươi có biết đây là nơi nào không?

Tôn Khiêm nói:

– Đây là Tháp Sơn. Tham chính nhìn lên đỉnh núi trước mặt kia, có một ngọn tháp cao vút nên có tên như vậy.

Loáng một cái thuyền quân Việt phía trước đã lẩn vào khe các hòn đảo nhỏ, biến đi đằng nào mất. Ô Mã Nhi đang định cho quân tản ra tìm lại thấy trên hòn đảo đá phía xa có một vị đạo sĩ mặc áo cánh tiên màu trắng, dung mạo phi phàm, thong dong tự tại như thờ ơ không nghĩ gì đến cảnh thiên hạ loạn ly. Vị tiên tử ấy dẫn theo năm sáu tiên nữ, người nào cũng đẹp đẽ đoan trang, váy áo rực rỡ, tay xách giỏ tre, lần theo vách đá hái các loài kỳ hoa dị thảo. Bồ Tý Thành nói:

– Chẳng lẽ nơi này là chốn tu hành của các vị thiên tiên?

Lát sau Ô Mã Nhi nhận ra, reo lên:

– A! Đây chính là Trần Nhật Duật danh tướng của nước An Nam. Các ngươi vây lấy hòn đảo ấy, bắt hết bọn nó cho ta.

Phàn Tiếp nói:

– Đúng là Trần Nhật Duật. Người này tuy có tu tiên nhưng đang khi chinh chiến, thân làm tướng lại là tước vương của nước Nam, lẽ đâu không lo việc quân cơ mà đi lang thang hái thuốc thế này. Hẳn là có mưu kế chi đây. Xin tướng quân thận trọng kẻo mắc lừa bọn chúng.

Ô Mã Nhi gắt:

– Lừa lừa cái gì! Cứ bắt cho được người này, dẫu mắc lừa cũng không ngại.

Nói xong, lệnh cho Bồ Tý Thành, Trần Trọng Đạt, Đào Đại Minh dẫn hơn năm trăm thuyền chiến xông lên vây đảo. Ngay khi ấy đội thuyền quân Việt khi nãy lại xuất hiện, dẫn theo tả, hữu hàng nghìn thuyền Việt tiến ra vây lấy thuyền quân Nguyên. Hai bên cùng đánh trống phất cờ tiến quân. Thuyền quân Việt tiến ra ngày càng đông. Ô Mã Nhi, Phàn Tiếp thấy yếu thế định cho quân rút về phía Nam, lại thấy một đoàn thuyền chừng năm trăm chiếc mang cờ hiệu có chữ Triệu, quân lính ăn mặc toàn đồ của người Tống. Hoá ra Triệu Trung nhận lệnh của Chiêu Văn vương bịt chặt đường này từ lâu rồi. Các tướng Nguyên không còn đường lui, đành phải giao chiến. Trần Nhật Duật đứng trên đảo cao phất lá cờ đỏ, Phó Tường, Trương Tích, Triệu Trung, Giả Cương, Tiết Hùng, Dương Lâm sáu tướng cùng tung quân vào trận. Quân Nguyên chống không nổi, bị bắn rơi xuống nước chết nhiều lắm. Ô Mã Nhi thấy thế quá nguy, bảo Phàn Tiếp rằng:

– Đúng là tôi hồ đồ nên mắc phải mẹo gian của quân Nam. Xin ông đừng chấp, mau nghĩ cách cứu lấy quân mình.

Phàn Tiếp nói:

– Tôi làm gì không biết tính tướng quân, đang nghĩ đây nhưng khó quá, chỉ còn một cách bỏ bớt binh thuyền, tập trung các tướng mở đường máu chạy lên phía biển An Bang.

Ô Mã Nhi đành phải nghe theo kế ấy, bỏ lại đằng sau gần ba trăm thuyền chiến cùng quân lính, thuỷ thủ không có người chỉ huy. Trần Nhật Duật cho quân bắt được. Bọn thuỷ thủ cùng binh lính Nguyên trên ba trăm thuyền ấy sợ hãi nhảy xuống nước bơi đi, chết đuối vô số. Những kẻ còn lại phục lạy xin hàng cả. Trong thuyền quân Nguyên chỉ còn lại mười xác chết. Quân Việt chặt lấy thủ cấp mang về báo1. Người đời sau gọi trận này là “Trận Đại Bàng”.

Ô Mã Nhi, Phàn Tiếp thoát ra được khỏi vòng vây, lên thẳng biển An Bang dò tìm tung tích Trương Văn Hổ  nhưng tuyệt  nhiên không thấy tăm hơi gì.

 

 

Đây nói Thoát Hoan ở lại Thăng Long, nấn ná chưa muốn về Vạn Kiếp, bỗng có thám mã báo:

– Quân Nam tập trung rất đông ở Cá Trầm, Cá Lê, Ma Sơn, Ngụy Trại, sắp tiến đánh quân ta.

Thoát Hoan hội các tướng, thương nghị. Tham chính Bất Nhan Lý Hải Nha nói rằng:

– Trước đây tôi đã nói với thái tử việc nên lui về Vạn Kiếp. Nay đã đến lúc không thể để lâu được nữa.

áo Lỗ Xích nói:

– Chúng ta mang mấy chục vạn quân đến đây, chưa đánh trận nào đã lui binh. Tôi thật không cam lòng.

Bột La Hợp Đáp Nhi nói:

– Tôi cho rằng lời bàn của tướng quân Bất Nhan Lý Hải Nha rất chí lý. Nếu ta không lui về Vạn Kiếp ngay, e có chuyện năm trước diễn lại. Lương thảo hai đường đều không đến, đi cướp không được, ở lại đây sống thế nào?

Ba vị vạn hộ là Trương Quân, Đường Tông, Lưu Thế Anh cùng nói:

– Hữu thừa Bột La Hợp Đáp Nhi nói phải lắm.

Thoát Hoan thấy ý các tướng đã như vậy, mới quyết về Vạn Kiếp. Hôm ấy là ngày mồng hai tháng hai năm Mậu Tý (05-3-1288), thái tử Thoát Hoan, bình chương áo Lỗ Xích ra lệnh các quân thuỷ bộ bỏ Thăng Long, sang cả trại Bồ Đề thu quân về Vạn Kiếp, lấy A Bát Xích làm tiên phong mở đường. áo Lỗ Xích giao cho con trai là vạn hộ Thoát Hoàn Bất Hoa cùng vạn hộ tướng quân Đường Tông chỉ huy số thuỷ quân, theo ngả Thiên Đức về qua cửa Đại Than đến sông Lục Đầu, các tướng khác đi cả theo đường bộ qua châu Bắc Giang.  A Bát Xích đem quân đi tiên phong bắc cầu phao cho đại binh rút, lại gọi Đáp Lạt Xích, Trương Quân đến, dặn:

– Hai ngươi đem lính vào các làng ven đường, có cái gì ăn được lấy hết về. Bắt được trâu bò gà lợn càng tốt.

Hai tướng y lệnh thi hành, trên đường đi rẽ vào ba mươi hai làng nhưng làng nào cũng có người phòng thủ. Đáp Lạt Xích, Trương Quân phải thúc bọn Chát Nhi Bất Thai, Hợp Nhi Xích A, Chúc Dĩ, Thái Sử Khang cố đánh, cướp được hơn một trăm thạch lúa cùng một ít gà lợn, đem lên thuyền của Thoát Hoàn Bất Hoa, rồi cùng đi theo Đường Tông về lối sông Thiên Đức2. Đường Tông đi đến cửa Đại Than thấy một đoàn thuyền quân Việt tiến ra chặn mất cửa sông. Trên chiếc ưng thuyền có một viên tướng đeo cung khảm bạc, tay cầm giáo dài đứng dưới lá cờ hiệu Linh Lang vương. Thuyền quân Nguyên tiến lên. Hai bên đánh nhau một hồi. Linh Lang vương rút cây cung khảm bạc bắn liền ba phát. Ba mũi tên đều trúng đích, giết chết ba lính Nguyên. Thuyền quân Nguyên tiến đến càng đông, Linh Lang vương cho thuyền chạy về phía cửa Tam Giang. Đường Tông hối thúc bọn thuỷ thủ chèo gấp đuổi theo. Khi đến ngã ba sông, có một đoàn thuyền Việt khác mang cờ hiều Hưng Ninh vương Trần Tung đánh ngang vào đội hình quân Nguyên. Linh Lang vương cho thuyền quay lại, hai đầu cùng đánh. Đường Tông biết là mắc mưu, cho thuyền bơi quay lại nhưng mọi chuyện đã muộn. Thuyền quân Việt vây chặt thuyền của Đường Tông. Lính Việt nhảy ùa lên thuyền Nguyên. Đường Tông chống không nổi, chạy vào trong khoang, bị quân Việt đuổi theo chém chết. Thoát Hoàn Bất Hoa, Đáp Lạt Xích, Trương Quân không biết quân Việt nhiều ít, mai phục thế nào nên không dám giao chiến, cứ theo Lục Đầu giang ngược về Vạn Kiếp.

Thoát Hoan về đến Vạn Kiếp, định kéo quân vào trong thành, áo Lỗ Xích ngắm địa hình một lượt, nói rằng:

– Nơi này thành chẳng ra thành, làng chẳng ra làng, rất là chật chội không nên đóng nhiều quân trong ấy.

Bột La Hợp Đáp Nhi cũng nói:

– Lời quan bình chương rất phải. Xin thái tử cho lập trại đóng quân ở ngoài thành thì hơn.

Thoát Hoan hỏi Trình Bằng Phi:

– Quanh đây có nơi nào thuận tiện cho việc lập trại không?

Trình Bằng Phi thưa rằng:

– Các tướng nói rất đúng. Gần đây quân Nam lấy lại được các nơi đã mất, kéo đến đóng xung quanh Vạn Kiếp rất đông. Nếu ta đem hết quân vào thành có thể bị chúng vây rồi đánh bằng hoả khí thật nguy vô cùng. Tôi đã nghĩ đến việc này nên lập sẵn hai trại lớn ở núi Phả Lại và núi Chí Linh. Quân ta đóng ở ba nơi làm thế ỷ giốc ứng cứu cho nhau, quân Nam đánh cũng không dễ gì.

Thoát Hoan nghe nói vậy, khen Trình Bằng Phi là người cơ trí rồi lệnh cho các tướng chia quân đóng làm ba doanh: ái Lỗ, A Thai, Mãng Cổ Đài, Trương Quân, Đáp Lạt Xích đem quân đóng trên núi Phả Lại; Lưu Thế Anh, Đường Ngột Đải, A Lý, Tiết Văn Chính, Mai Thế Anh đóng quân ở núi Chí Linh; còn áo Lỗ Xích, Bột La Hợp Đáp Nhi, Bất Nhan Lý Hải Nha, Trình Bằng Phi, Tích Lệ Cơ, A Bát Xích cùng các tướng khác theo Thoát Hoan vào đóng đại doanh trong thành Vạn Kiếp. Thoát Hoan lại dặn các tướng rằng:

– Trại nào bị quân Nam đánh thì đốt nhiều khói lửa để các trại khác biết mà đến cứu.

Bột La Hợp Đáp Nhi nói:

– Ta đóng quân đông thế này quân Nam cũng chưa dám làm gì. Có điều quân lương đã cạn không thể ở lâu được. Hay là hãy tạm rút quân về.

áo Lỗ Xích nói:

– Nói là về không phải về ngay được. Quân Nam đã khoá chặt cửa biên giới. Chúng ta chỉ còn cách liều mà đánh nữa thôi.

Thoát Hoan hỏi Trình Bằng Phi:

– Ngươi xem quân lương có thể dùng được bao nhiêu ngày nữa?

Trình Bằng Phi thưa rằng:

– Nếu toàn quân ta ăn dè sẻn cũng được không quá nửa tháng.

Bất Nhan Lý Hải Nha nói:

– Đã đến nước này không về cũng không được. Về trước may còn thoát, để dây dưa chưa chắc đã đi nổi.

Thoát Hoan nói:

– Các ngươi nói đều có lý nhưng ta lui binh mà Trương Văn Hổ và Ô Mã Nhi không biết, lớ ngớ tiến vào, thế nào cũng có chuyện như Toa Đô năm trước.

áo Lỗ Xích nói:

– Tôi cho rằng ta cứ đóng quân ở đây, cho người cải trang làm dân thường đi dò xem người Nam cất giấu lương thảo ở đâu rồi đem quân đến đánh cướp lấy.

Bất Nhan Lý Hải Nha nói mỉa:

– Không biết quan bình chương định cho bao nhiêu người đi dò la và dò đến bao giờ cho thấy. Nấn ná hết Xuân sang Hạ, chỉ cần mặt trời thiêu đốt quân ta cũng chết mất quá nửa rồi.

Bột La Hợp Đáp Nhi nói:

– Thôi thế này vậy. Xin thái tử cho người xuôi xuống cửa sông Bạch Đằng đón xem Ô Mã Nhi có về đấy không. Trên đường đi có thể đánh phá các trang ấp ở Hải Đông mà lấy lương thực. Còn ở đây tôi xin dẫn vài vạn quân đánh ra các vùng xung quanh, tìm thức ăn cho quân sĩ. Kiếm được kha khá quân lương, rút cũng vừa.

Thoát Hoan nói:

– Kế ấy có thể tạm dùng được. Ai dám đi tìm Ô Mã Nhi?

A Bát Xích bước ra nói:

– Tôi xin đi.

Thoát Hoan cấp cho A Bát Xích một vạn năm nghìn quân, sai đi tìm Ô Mã Nhi và kiếm quân lương.

Thật là:

Người trước đi tìm, tìm chưa thấy

Kẻ sau lo kiếm, kiếm đâu ra.

 

Mời bạn đọc tiếp chương sau xem A Bát Xích có tìm được Ô Mã Nhi hay không

—————————————–

1 Hoá giang: Một ngọn sông thuộc sông Thái Bình, theo VNsl của Trần Trọng Kim.

2 Câu nói này viết theo cuốn VNsl của Trần Trọng Kim.

1 Ngày nay ( Thế kỷ XXI ), các nhà khoa học cho rằng năm loài vật có trí khôn sau loài người là: Khỉ, voi, chó, gấu và cá heo.

1 Nam Giang: Có tài liệu gọi là Tam Giang, Bình Giang.

2 V ề sau Lê Trắc mô tả tình trạng khi chạy trốn của y trong cuốn An Nam chí lược như sau: “Nguy khốn vô cùng, trăm phần tưởng chết, ngày chạy mấy trăm dặm, từ nửa đêm đến tảng sáng mới tới được đất TưMinh”.

1 Nguyên sử chép rằng: Khi quân quay về, Hạ Chi đến Kiến Khang thì chết – Hạ Chi truyện.

1 Về trận này ĐVsktt chép:  Mùa Xuân, tháng Giêng, Ô Mã Nhi đóng vào phủ Long Hưng. Ngày mồng 8, quan quân hội chiến ngoài biển Đại Bàng, bắt được 300 thuyền giặc, 10 thủ cấp giặc. Quân Nguyên chếtđuối rất nhiều.

2 Vì có việc này nên về sau Nguyên sử nói khoác lên rằng đánh chiếm 32 đồn quân Việt, cướp được hơn 200 thuyền và 113 000 thạch gạo. Nếu quả có số lương ấy thì quân Nguyên đâu phải thiếu ăn như trong Nguyên sử thú nhận. Điều này cho thấy các sử gia phương Bắc cũng hay làm trò lắm.

Đ.T

Bài viết khác

violin amazon amazon greens powder