
Lời đề tặng Quý mến tặng cô giáo NTL, người có thư mong muốn Mao Tôn Úc trở lại, và các văn hữu cùng những độc giả yêu quý Mao Tôn Úc (Đình Kính, Văn Công Hùng, Trần đăng Khoa…) – B.V.
Lời đề tặng:
Quý mến tặng cô giáo NTL, người có thư mong muốn Mao Tôn Úc trở lại, và các văn hữu Đình Kính, Văn Công Hùng, Trần đăng Khoa cùng những độc giả yêu quý Mao Tôn Úc B.V.
Vài lời trước khi tiếp tục câu chuyện: Xưa, đại văn hào Liệt Tôn Tư Tổ ( Lev Tolstoi) viết pho sách An Na Kha Lệ Ninh (AnnaKarénina), đến đoạn nàng Kha Lệ Ninh chết, ông ứa nước mắt nói với người bạn, rằng (đại ý): “Hôm qua Kha Lệ Ninh tự vẫn rồi. Nàng đâm đầu vào cỗ hỏa xa chết thảm quá. Tự nàng đã tìm đến cái chết để giải thoát chứ ta đâu muốn thế.” Vậy là câu chuyện đã dẫn dắt tác giả chứ không phải ngược lại.
Khi người viết truyện này đến đoạn Mao Tôn Úc chia tay Trường Nhân trở về phương Bắc cũng bùi ngùi tiếc cho câu chuyện thú vị sớm kết thúc. Nhưng cũng đành thế chứ biết làm sao được. Mao ở lại thành Đại La xứ Vạn Xuân chẳng những sẽ gặp phiền toái, mà còn đem họa đến cho chủ quán Trường Nhân và lão kỳ nhân Kim Thánh Phán. Cả người viết cũng lao tâm khổ tứ đêm ngày nghĩ cách để Mao tồn tại hợp lý trên đất Vạn Xuân.
Vậy thì Mao quay về Bắc phương là phải lẽ.
Thế nhưng, sau khi Mao đi rồi, nhà thơ Trần Nhương không đành lòng, đã sưu tầm những dị bản về Mao đăng trên website trannhuong.com thêm đến 7 số nữa. Rồi sau, Mao Tôn Úc chạy quanh quẩn liên miên; đám thầy trò lão Tử Y cũng phải lùng sục ngày đêm; tất cả đều mỏi mệt, nên tự … giải tán.
Tưởng thế là yên chuyện, nhưng rồi chuyện lại không yên. Có những email gửi đến, có những cú điện thoại gọi hỏi sao không để Mao Tôn Úc ở lại đất Vạn Xuân chơi ít lâu nữa? Có người còn khích: Mã các ông mà đòi viết feuilton! ( feuilton: chuyện dài kỳ in nhật báo)
Chính phê bình gia Mao Tôn Úc đã nói: “Phàm, Văn chương cũng như mọi sự trên đời, điều gì mà cứ kéo dài mãi sẽ nhạt, sẽ nhảm dù là những luận lý cao thâm. Nhất là chuyện đăng đàn răn giảng, cứ thuyết giáo mãi khiến thiên hạ chán ngán, sẽ là tự hại chính những luận thuyết hay ho ấy”. Phải viết thêm câu chuyện này chẳng phải vì không hiểu lời khuyên đó, mà là do muốn đáp lại thịnh tình của những bạn đọc có lòng yêu quý nhân vật Mao Tôn Úc. Âu cũng là một sự hy sinh cho độc giả được vui.
Nhân việc Mao Tôn Úc tái xuất cùng bạn đọc, cũng xin nói thêm: Trần Nhương đã viết ra những chuyện khác về Mao Tôn Úc khá thú vị, vậy cứ coi đó là những dị bản theo hướng sưu tầm của Trần Nhương. Còn tôi – Bão Vũ, sẽ vẫn tiếp tục câu chuyện theo cách của mình.
Kính bút
BV
4.- MAO TÔN ÚC THEO HƯỚNG TÂY MÀ ĐI VỀ PHÍA ĐÔNG VÀ GẶP NẠN
Lại nói về Mao Tôn Úc, sau khi từ biệt Trường Nhân, lên ngựa theo hướng Tây mà đi. Vừa đi vừa ứa nước mắt nghĩ đến Trường Nhân và Kim Thánh Phán, những người mới gặp mà đã thân thiết gắn bó sinh tử như từ tiền kiếp.
Bấy giờ đang là mùa hạ, tiết trời nóng bức. Mao ngồi trên mình ngựa ngước mắt nhìn trời xanh thẳm, vừng kim ô đang tỏa khí nóng như thiêu đốt cõi nhân gian. Trên tít tầng cao, giữa những đám mây mỏng có đàn ngỗng trời đang mải miết đập cánh bay về phương Bắc. Úc nhìn đàn ngỗng, ước cũng có cánh mà bay theo chúng để sớm về quê nhà, mau thoát khỏi những tai ương trên đất này. Nhưng lại nghĩ ra rằng, mình có còn gì ở nơi quê nhà xưa nữa đâu. Ta sánh sao được với lũ chim kia, chúng có bầy đàn, chúng biết bay đến nơi đã định trước. Còn ta chỉ như như đám mây mỏng manh cô độc trôi dạt vô mục đích, cho đến khi tan biến trong bầu trời vô tận mà thôi. Lại trạnh nhớ tới bài thơ của thi sĩ họ Hồ, người Hán, đã sống ở xứ này. Úc cất giọng não nùng ngâm:
Mây ơi có tạt về phương Bắc
Chầm chậm cho ta gửi mấy lời
Từ độ tha hương ta vẫn nhớ
Nhưng tình xa lắm gió mây ơi…
( Trích “Tư hương” – Hồ Dzếnh)
Ngâm xong, bất giác nước mắt rơi lã chã. Đúng lúc ấy, Mao Tôn Úc thấy trời đất đảo lộn, tai vẳng tiếng reo to: “Ngã này!” rồi đầu bị đập mạnh, mắt tối sầm, bất tỉnh nhân sự không biết gì nữa.
Một lúc sau, Úc dần hồi tỉnh, nghe có tiếng lao xao, mở mắt thấy nhiều người đang xúm quanh cúi nhìn. Úc nhỏm dậy thấy mình đang nằm bên một hố lớn giữa đường, nhớ ra trước khi bất tỉnh nghe có tiếng thét “Ngã này!” nghĩ mình đang bị một đám lục lâm thảo khấu đào hố giữa đường bẫy khách bộ hành để đòi tiền mãi lộ, Úc sợ hãi cung tay hướng về phía người cao tuổi nhất trong đám đông, van xin:
– Chư vị hảo hán tha mạng. Tại hạ chỉ là kẻ tha phương cầu thực, ngoài con ngựa còm của người thân cho để hành tẩu đường trường, trong mình không có gì đáng giá.
Đám người ngẩn ra rồi phá lên cười. Người cao tuổi trong đám ấy ôn tồn nói với Úc :
– Tiên sinh lầm rồi. Chúng tôi là thường dân quanh đây, thấy tiên sinh lâm nạn nên kéo giúp người ngựa lên khỏi hố này thôi. Đây là hố do đám phu lục lộ đào để sửa đường. Các quan công chính ăn gian vật tư, đường vừa làm xong đã sụt lở, phải đào lên làm lại. Nhưng, cai thầu ăn bớt tiền công nên phu thợ đào lên rồi bỏ đấy, khiến nhiều người qua đây bị khốn. Lũ trẻ mất dạy cứ đứng bên đường chờ người đi qua bị nạn mà reo cười.
Mao Tôn Úc đứng lên cảm tạ mọi người đã cứu giúp. Thấy khắp mình Úc đầy bùn đất hôi hám, một người chỉ cho chàng con mương gần đấy để rửa ráy. Úc dắt ngựa đi đến bờ mương thấy nước đen ngòm, xú uế bốc lên còn nặng mùi hơn cả bùn trên người chàng, đành lên ngựa đi thẳng.
Mao Tôn Úc đi mãi cho đến khi mặt trời đứng bóng vẫn không thấy ngã ba có lối rẽ về phương Bắc như lời Trường Nhân Tác Nghiệp chỉ dẫn. Bụng đói miệng khát, Úc rẽ vào một quán cơm bên đường. Đang buộc ngựa thì có gã tiểu nhị trong quán bước ra quát mắng:
– Không có của thừa bố thí cho ngươi đâu. Xéo ngay, cho người ta bán hàng.
Úc ngạc nhiên, rồi hiểu ra, trông mình bẩn thỉu thế này, gã tiểu nhị tưởng là hành khất. Bèn vỗ bọc hành lý đeo bên người, nói:
– Ta có bạc đây. Ta bị ngã xuống hố bùn trên đường.
Gã tiểu nhị vội xá dài, cười làm lành:
– Quan khách thứ lỗi. Chắc người cũng sa bẫy của bọn phu lục lộ trên đường. Hôm trước, chính bà chủ tôi đi qua đấy cũng bị ngã. Khi về quán, chúng tôi cũng ngỡ mụ ăn mày nên đuổi đi. Bà ấy té tát chửi cho mới biết. Xin mời ghé tệ quán.
Gã tiểu nhị sợ mang tội thất lễ với khách nên tỏ ra săn sóc Úc rất tận tình. Nhưng khi Úc hỏi nơi rửa ráy cho người và ngựa thì gã lắc đầu quầy quậy:
– Quan khách thứ lỗi. Đây vẫn thuộc thành Đại La, đang mùa hè, nước ăn uống còn thiếu làm gì có nước rửa ráy cả người ngựa như ma vùi thế kia.
Úc hỏi:
– Thế quán rửa bát đĩa bằng gì?
Tiểu nhị đáp:
– Thì cứ dùng khăn lau thôi.
Úc lại hỏi:
– Thế giặt khăn lau bằng gì?
Tiểu nhị lại đáp:
– Chỉ giặt khi nào thừa nước.
Úc hỏi nữa:
– Khi nào thừa nước?
Tiểu nhị không đáp mà trỏ ngón tay lên trời. Không hiểu gã làm như như vậy có ý là phải chờ khi trời mưa lớn, hay là chỉ có trời mới biết khi nào dư thừa nước dùng. Mao Tôn Úc định đi nơi khác, nhưng nhìn quanh chỉ thấy có quán cơm này, một hiệu bán y phục và một tòa nhà có đông người đang ca hát ầm ỹ. Úc đành bước vào quán. Gã tiểu nhị đưa chàng đến ngồi ở một góc cuối gió, vì người chàng bốc mùi rất khó chịu. Mụ chủ quán to béo đứng sau quầy rượu nhìn thấy Úc liền mắng tiểu nhị:
– Sao ngươi dám đưa tên ăn mày vào làm bẩn quán?
Gã tiểu nhị phân trần:
– Thưa, vị quan nhân này cũng bị ngã xuống hố bùn như bà hôm trước.
Mụ chủ quán đon đả xin lỗi khách. Úc gọi một bình rượu cúc, một thố cơm và đĩa rau cải xào. Gã tiểu nhị thấy vậy cười giễu, hỏi:
– Chay tịnh thế này, chắc ngài là nhà tu hành?
Úc lấy giọng hách dịch:
– Ngươi không thấy cái đầu không có tóc của ta sao? Quán của các ngươi có thóc tốt trộn mật cho ngựa của ta không?
Úc đành chịu tốn ít bạc để những kẻ tầm thường này không coi khinh. Gã tiểu nhị há miệng đứng sững. Còn mụ chủ quán nghĩ đây là một khách sang trọng khác thường nên toét miệng cười:
– Thưa, ngài là bậc đại đức hòa thượng, chức cao vọng trọng chốn thiền môn nên thức ăn cho quý mã của ngài cũng khác thường. Tuy tệ quán không sẵn có thứ đó nhưng sẽ cố chu tất ngay bây giờ.
Rồi mụ quát bảo tiểu nhị vào sân sau chế món ăn thượng hạng đó cho con ngựa còm. Úc kéo tay gã tiểu nhị dặn thêm:
– Ngươi hãy nhớ, ngựa của ta là Hãn huyết bảo mã, ngày đi ngàn dặm, chỉ quen ăn “Tân Hương Nương mễ” ( thóc Nàng Hương mới gặt) rang thơm, trộn với thứ mật thượng hạng chế từ loại mía vỏ đen trồng ở bãi Nhĩ Hà. Làm tốt, ta hậu thưởng. Gian trá, đừng trách ta là người nhà Phật mà dữ ác.
Gã tiểu nhị cung kính lui ra. Đúng lúc ấy có một toán lính gươm giáo tua tủa đằng đằng sát khí bước vào quán, dắt theo hai người đàn ông cổ bị đóng gông. Đám lính đẩy giúi hai tội nhân vào một góc, rồi quát gọi rượu thịt. Chủ tớ quán cơm hớt hải dạ ran đem vội các món ra.
Trong khi toán lính ăn uống, Úc đưa mắt nhìn hai người mang gông ngồi ở góc quán trông thiểu não, có vẻ rất đói khát. Hai người này mặt mày trắng trẻo, sáng sủa trông ra dáng thư sinh. Úc đoán chắc cũng là “văn tặc tội đồ” như mình, trạnh lòng thương cảm, cất giọng hỏi những người lính:
– Xin hỏi các thầy quyền. Chẳng hay hai người này bị tội gì?
Một người lính có vẻ dễ tính, mau mắn trả lời Úc:
– Tội gì à? Thì viết lên tường những lời nói xấu các quan công chính là gian dối trong chuyện làm quốc lộ, biển thủ vật tư, hà lạm công quỹ, làm cho đường xá hư hỏng gây tai họa. Viết xằng bậy thì cho vào đại lao, tha hồ mà viết lên vách ngục thất.
Gã tiểu nhị đã làm xong thức ăn cho ngựa, bưng cái máng gỗ đựng thóc trộn mật đến trước mặt Mao Tôn Úc:
– Thưa hòa thượng, thức ăn của quý mã đã soạn xong. Xin kiểm tra.
Úc ghé mũi ngửi qua thứ trong máng gỗ rồi gật đầu bảo:
– Được, ngươi đứng bên vuốt ve ngựa của ta để nó ăn hết máng thức ăn.
Rồi chàng lại quay sang đám lính:
– Các thầy quyền có thể nương tay được không. Hai người kia đã viết đúng đấy chứ. Chính tại hạ vừa bị cả người lẫn ngựa sa xuống cái hố lớn giữa đường. Bà chủ quán đây mấy hôm trước cũng bị thế. Mà dù là bậc đại quan hay vua chúa cũng rất nên có kẻ phê bình, can gián, chỉ cho những khiếm nhược mà sửa mình thì việc chăn dân trị nước mới hoàn hảo. Tỷ như chuyện văn chương, nếu không có người bình phẩm thì…
Chợt một người có vẻ là cai đội trong đám lính đập bàn đánh rầm một cái làm rơi vỡ bát đĩa. Người này chỉ mặt Mao Tôn Úc quát to:
– Câm miệng, đồ láo xược thối tha! Mi cùng với con ngựa ghẻ vừa chui lên từ hố phân nào mà dám nói càn? Muốn cũng bị gông cổ như hai tên phản loạn kia sao?
Úc sợ hãi, sực nhớ ra mình đang ở một nơi có nhiều chuyện kỳ lạ, vội tỉnh rượu, lắp bắp:
– Thưa… Tại hạ đâu dám bất kính. Vì bản tính hiếu kỳ, thấy sự lạ thường nên nói vậy thôi.
Ngài Đội chưa hết giận, nhìn khắp người Úc rồi quát hỏi:
– Mi cưỡi ngựa đường trường, cớ sao không đội “Hộ đầu mão” (mũ bảo vệ đầu), mà đầu thì trọc lốc. Hay là mi đã luyện được “Thiết đầu công” (công phu luyện đầu cứng như sắt) nên coi thường luật định? Để ta thử gõ mấy côn này vào đầu xem sao.
Ngài Đội đứng phắt dậy rút cây thiết đoản côn đeo bên mình ra. Úc nhìn thấy cây gậy ngắn bằng sắt sơn khoang đen trắng lăm lăm trong tay ngài đội lực lưỡng thì hồn siêu phách lạc nhớ tới trận đòn của gã đồ tể ở chợ Trường An ngày trước, vội lấy hai tay che đầu:
– Xin ngài bớt giận. Tiểu dân không có ý mạo phạm.
– Thế thì biến ngay cho khuất mắt ta. Để con ngựa lại. Không có “Hộ đầu mão” thì phạt, tịch thu phương tiện, trả tiền bữa rượu này cho chúng ta.
Úc run lập cập đứng lên, bước ra cửa quán. Ngài Đội còn hầm hầm đứng nhìn theo, quát bảo gã lính mau miệng ban nãy đi ra giám sát không cho Úc dắt ngựa đi. May thay cho Mao Tôn Úc, nếu ngài Đội hỏi đến chứng chỉ tùy thân, biết là “văn tặc” đang bị truy nã thì thập phần nguy khốn.
Gã tiểu nhị chạy theo đòi tiền cơm rượu. Úc phải trả cả tiền rượu thịt cho toán lính, tiền thức ăn thượng hạng cho ngựa và tiền công vuốt ve bảo mã, lại mất cả tiền công lau chùi chỗ ngồi bị bùn bẩn. Tất cả vừa đúng số bạc Trường Nhân Tác Nghiệp đưa cho lúc chia tay. Gã tiểu nhị bảo, nếu vào tháng trước thì chỉ non nửa số bạc ấy cũng đủ, nhưng bây giờ tính giá như vậy còn là nương tay với đại đức hòa thượng đã vì muốn làm phúc mà gặp hoạ. Thôi, giữ được mạng sống là may lắm rồi.
Mao Tôn Úc hỏi tiểu nhị lối rẽ về phương Bắc. Gã trợn mắt:
– Ông đang di về phía Đông, bây giờ phải đi ngược về phía Tây. Nếu đi bộ suốt đêm thì may ra sáng mai mới đến ngã ba có lối rẽ về phương Bắc.
Úc hỏi:
– Nếu cứ đi về phía Đông thì đến đâu?
Tiểu nhị đáp:
– Chừng hơn năm mươi dặm nữa, qua Đông Thành sẽ đến thành Biên Hải, giáp biển Đông.
Lầm đường, ngựa mất, ngân lượng cạn kiệt, Úc ngửa mặt lên trời than rằng:
– Là hậu duệ của bậc thông tuệ mà thậm ngu. Cả hai kẻ thư sinh mặt trắng trong quán kia cũng chẳng hơn gì ta. Quay về phương Bắc theo lối cũ qua thành Đại La, ắt khó tránh tai vạ. Trời xanh đã sắp đặt thế này, chi bằng ta đành đi về phía Đông, tìm đường biển mà hồi hương vậy.
Than xong, Úc lủi thủi hành cước về phương Đông. Tai Úc bỗng vẳng tiếng hý thê thảm của con ngựa còm bị giữ lại quán rượu. Chàng vội rảo bước không dám quay đầu nhìn lại con ngựa.
Thì ra sau khi ngã xuống hố bất tỉnh, được kéo lên, Mao Tôn Úc không phân biệt được phương hướng nên đã đi ngược về phía Đông và gặp nạn.
Thật là:
Minh trí vô phân Đông Tây hướng
Bất bình thọ sự tả hữu phương
Tạm dịch ý: Sáng suốt mà chẳng phân biệt được phía Đông hay Tây / Không bình tĩnh nên mắc vào chuyện rắc rối về bên phải với bên trái. (Theo chúng tôi hiểu, vế sau của câu trên có ý nói về hai người bị đeo gông trong quán.)
Muốn biết sau đây chuyện diễn biến ra sao, xin quý độc giả vui lòng đợi chúng tôi sưu tầm, biên soạn tiếp chương sau.
B.V
(Còn tiếp)