
Nhà văn Phạm Xuân Hiếu là Hội viên Hội Nhà văn Hải Phòng. Năm 2014, anh xuất bản tập truyện ngắn thứ hai: Cây đèn gia bảo. Ngay từ khi ra mắt, Cây đèn gia bảo đã được bạn đọc hoan nghênh, và in lại lần thứ hai, đồng thời đây là tác phẩm Ủy ban toàn quốc các Hội LHVHNT Việt nam trao giải thưởng văn học nghê thuật năm 2014. Nhân Tết Ất Mùi, vanhaiphong.com xin giới thiệu một truyện ngắn vui của anh
Mùi vui tính, nhiệt tình, nước da trắng, khuôn mặt dài, quai hàm bạnh, chùm râu chụm lưa thưa dươi cằm nhọn quắp vào cổ. Mùi lấy em họ tôi, hợp tính, những lúc vui buồn cậu ấy hay đến tâm sự với tôi bên chén rượu, chén chè.
Mấy ngày trước, Mùi hớt hải chạy đến: “ Anh ơi cứu em với”. Tôi bảo lại cứu với chả cứu, vợ chồng cậu suốt ngày chí chóe nhau về chuyện ấy tôi không rỗi hơi đi giải quyết”. Mùi nhăn nét mặt, lúc nào anh cũng đùa được, hôm nay em cầu cứu anh về việc khác quan trọng lắm! Anh không giúp thì em chết, anh uống rượu với ai?”. Tôi hỏi: “Việc gì?”. Mùi bảo: “ Tìm cho Sếp em một con dê”. Tôi cười: “Năm Mùi, tìm con dê. Ôi dời! Có thế mà cũng hốt hoảng, trông cái mặt cậu kìa”. Mùi tiu ngỉu vặn lại: “ Cái mặt em làm sao?”. “ Sao thì cậu phải tự biết”. Mùi buồn: “Thôi anh đừng nói chuyện ấy, em ngượng lắm”. Tôi bảo chả ngượng thì cậu cũng có tiếng là uống nhiều máu dê, cái chòm râu như thế kia thì dấu ai được”. Mùi tủm tỉm cười: “Em công nhận truyện đó em khỏe vô biên nhưng cái mặt em làm sao thì em chưa biết”. Tôi lại trêu: “Trời ạ! Cái mặt mình mà không biết thì biết mặt ai! Không trách con vợ nó hay về nhà ngủ với mẹ là phải. Cậu có hay soi gương không?” . “ Không”. Thảo nào không biết dưới cằm có chòm râu giống râu dê như đúc. Ai nhìn thấy cũng phải lấy tay che miệng cười, cậu đã bao giờ tìm hiểu về loài dê chưa?”. “Chưa”. Thế thì tôi sẽ giải thích cho cậu nhưng để sau. Việc trước là Sếp cậu cần con dê gì? Dê chân dài hay dê chân ngắn, dê béo hay dê gầy, dê non hay dê cụ. Tóm lại nếu là dê hai chân thì anh xin khước từ không giúp gì được cậu. Cậu cầu cứu nhầm cửa rồi”. Mùi lắc đầu: “Không phải con dê hai chân”. “Thế thì dê bốn chân leo núi hay trói chân sau nhà bếp, nằm trên đĩa, trên chảo treo biển ngoài đường?”. “Cũng không phải” . “ Thế dê gì? Hay là dê trong các cửa hàng mỹ nghệ đúc bằng đồng bằng gang, bằng cacbon bán đầy phố, đầy chợ tặng nhau năm Ất Mùi?”. “Cũng không phải”. “Thế thì là con dê gì?” Ấp úng một lát Mùi mới nghĩ ra : “Con dê cổ”. Tôi nhắc lai: “Dê cổ! Làm gì có dê cổ. Chỉ có đồ cổ, dê nuôi lấy sữa, lấy thịt, làm gì có dê cổ”. Mùi gãi đầu: “Có đấy, Sếp em bảo mua cho ông ấy một món đồ cổ có con dê”. “Giời ạ! Có thế không nói ngay, úp úp mở mở làm tôi cứ đoán già, đoán non sai hết cả chủ đề”.
Có phải ông ấy thích mua con dê trong các món đồ cổ không? Những con dê ấy có hồn đấy. Nhất là những con dê đực, nó bị kìm hãm lâu ngày khinh khủng lắm. Nếu là con dê ấy thì tôi có thể giúp được nhưng cậu phải hỏi rõ con dê ấy trên hiện vật tranh, phù điêu, gốm, sứ hay đồng đá…Là dê đực hay dê cái, dáng kiểu như thế nào? Nếu Sếp thích con dê cái mà mua con dê đực là chết dở, vừa mất tiền vừa mất điểm đấy”. “Thế à anh”. “Chả thế thì sao! Cậu đã hỏi đúng chỗ thì tôi cũng phải nói đúng đồ. Giới tâm linh chúng tôi nhìn con dê nào ra con dê đó”. “Vâng”. “Em về hỏi lại Sếp rồi đến nhờ anh”.
Hôm sau, Mùi đến gặp tôi không nói không chào, chìa ngay bức ảnh người đàn ông đứng ngắm chiếc lọ Tì Bà tích Tô Vũ Mộc Dương. Nhìn qua tôi hiểu ngay. Vì tôi biết ông này, mỗi năm đến cửa hàng mua một con giáp mỹ nghệ về làm lưu niệm. Năm Tuất mua chó, năm Ngọ mua ngựa, năm Dần mua hổ… Tháng trước gặp nhau, tôi mới khuyên: “Anh sưu tập các con giáp đã đủ bộ, hết một niên, năm tới năm Mùi anh nên chơi một con dê cổ có giá trị văn hóa nghệ thuật đẳng cấp cao, vừa chơi, vừa giữ của. May mắn vớ được con dê đực có thần là phù dương phục khí đấy. Tôi nói trúng ý, ông ta cười ồ ồ: “ Bác nói giống thầy Chiêm Tinh: sang năm thế nào cũng phải mua một con dê để lấy tinh khí”.
Nếu tôi không nhầm thì tôi đã ngồi uống bia với ông ta cùng cậu rồi. Ông ta tên là Sam thích tướng sồ, phong thủy. Ông ấy chắc ngại đến tôi nên mới gián tiếp nhờ cậu. Cậu có thấy nhà Sếp bày nhiều con giáp không?” . “Có”. “Thế là rõ”. Ông này, năm nay nâng đời lên chơi dê cổ là theo ý thầy Chiêm Tinh đấy. Được rồi, tôi sẽ giúp cậu mua chiếc lọ có con dê lành tít, giá độ hai ngàn đô to đẹp, giá trị hơn chiếc lọ trong ảnh này nhiều. Ông ấy còn bảo gì thêm không?” . “Có, phải là dê cổ, em lo quá, không biết mua ở đâu. Mà lạ thật, bao nhiêu thằng tháo vát tài ba không giao, lại giao cho em thằng đầu đất như em đi mua dê”. “Cậu nghĩ sai rồi, ông ấy chọn đúng người đúng việc đấy, rồi tiếp theo sẽ hướng dẫn cậu làm thế nào, thế nào cho mà xem.
***
Sếp Sam nhiều năm bị bệnh yếu sinh lý, uống các loại thuốc thuốc ta, thuốc tây đều vô tác dụng. Đêm đêm nằm bên người vợ đẹp như tiên sa trằn trọc muối tiếc thở dài. Rồi một hôm Sếp vô tình gặp được nhà Chiêm Tinh, nhìn qua nét mặt thầy phán: khoản kia muốn phục hồi trở lại thì phải tìm một thằng có tướng mạo máu dê, kết hợp với năng lượng của con dê cổ thì rất tốt. Sang năm là Mùi, năm thịnh dục nếu biết lấy sinh khí của người và vật kết hợp với năng lượng vũ trụ trời đất sẽ khỏe như thanh niên.
Được nghe lời thầy, Sếp Sam phấn khởi hỏi đi, hỏi lại cặn kẽ cách thức làm thế nào, thế nào? Chính vì lời khuyên đó, Sếp chọn cậu là phải vì cậu có hai quai hàm thiết dục, có chòm râu bạc lưa thưa dài quắp, tứ thuận dưỡng dương rất hợp với thầy nên ông ấy giao việc cho cậu là đúng người, đúng việc.
Mùi nhăn mặt: “Em không hiểu ông ấy còn định làm gì?”. Tôi vỗ vai: “Đợi xem, chỉ có người trong nghề như tôi mới biết được ý đồ. Cậu không giúp việc đó không xong đâu. Thôi! Cứ làm đi rồi Sếp bù cho khoản khác. Cậu khỏe như voi có mất đi ít công lực cũng chưa sao. Rồi vợ nó cũng đỡ khổ. Thôi! Tôi nói đùa vậy, đừng sợ, Sếp thế nào cũng bù đắp cho một khoản hậu hĩnh. Thực tình, ông ấy chỉ nhờ cậu mua chiếc lọ cổ có con dê, thế thì cứ mua chiếc lọ cổ có con dê.
Bởi con dê ông ấy tự đi mua sẽ có ít công dụng nên phải nhờ người có tính năng, tướng mạo như cậu mới kết hợp được tinh khí trời đất. Nhưng không sao, tôi sẽ chỉ cho cậu đến nhà tay thợ chạy mua chiếc lọ đó. Tôi đã xem rồi, nó đang túng tiền, chắc giá hữu nghị vì nó không biết bí quyết Sếp cần. Bọn buôn cổ vật quái chiêu lắm, nếu chúng mà ngửi thấy hơi con dê trên chiếc lọ cổ đó có thần khí thì chặt chém chết tiền. Nên đến mua cậu đừng có nói gì, cứ trả vờ ấm ớ, đừng bảo tôi mách. À Sếp còn bảo gì thêm không?”. “ Có”. “Sếp bảo làm sao?”. “ Sếp bảo sưu tầm thêm những câu chuyện về dê”. Được. Tôi sẽ kể vắn tắt cho cậu một số biểu tượng dê trên các các tác phẩm nghệ thuật và cổ vật, cậu thu âm lại. Hay tiện nhất là ra hiệu sách mua một quyển chuyện dê đưa cho ông ấy là xong.
Nghe lời giải thích, Mùi phấn khởi nắm chặt tay tôi: “ Tuyệt quá, chiều nay em chiêu đãi anh món lẩu Ngọc Dương”. “Ok, như thế nhé”. “ Đó là món tuyệt chiêu khoái khẩu của em mà” . Tôi cười vỗ vai Mùi: “ Cậu nghiện đặc sản đó, không trách!”
Mấy hôm sau Mùi mang chiếc lọ Tô Vũ Mộc Dương đến hớn hở khoe mua được rẻ. Tôi xoay chiếc lọ, chỉ cảnh con dê đang gặp cỏ, bên cạnh ông già ngồi sầu thảm bên tảng đá bảo: “ Đây là ông Tô Vũ sứ giả giỏi đời Nhà Hán, thời Vua Hán Vũ Đế sang Nước Nô cầu hòa. Vì sơ xuất làm phật ý Vua Hung Nô nên bị nhốt vào núi mấy ngày nhưng không chết, sau bị đi đầy lên phương Bắc chăn dê đực kèm theo lời phán: bao giờ dê đực đẻ con mới được về nước. Ở rừng núi cô đơn, Tô Vũ kiên trì chịu khổ cực đói khát, buồn tủi. Đêm ngày chỉ biết làm bạn với chim sóc, cỏ cây, ngủ hang ăn hoa trái. Tô Vũ được một con Tinh Tinh cái chăm sóc, đẻ một đứa con. Mười chín năm sau, Vua Hán Đế mới can thiệp cho Tô Vũ được về.
Đại khái điển tích Tô Vũ chăn dê cổ là như vậy còn nhiều mẩu chuyện về dê, chuyện nào cũng nhân văn mang tính nhắc nhở, khuyên bảo người đời. Còn dưới con mắt của người chơi đồ cổ nhìn chiếc lọ này thường gọi: chiếc lọ Bát Tràng dáng Tì Bà, tích Tô Vũ Mộc Dương nền xanh nhạt, đắp nổi. Muốn giao dịch chỉ cần hỏi cao bao nhiêu, lành hay vỡ. Nói thế là họ hiểu ngay chiếc lọ sản xuất tại lò gốm Bát Tràng ở Việt Nam, dáng lọ giống cây đàn Tì Bà bụng phình bầu dục, cổ lọ dài nhỏ. Mặt trước của lọ vẽ cảnh một ông già chăn dê, có lọ một con, có lọ nhiều con tùy thuộc vào ý tưởng nghệ nhân và mục đích chiếc lọ dùng vào việc gì.
***
Rời nhà tôi, Mùi mang ngay chiếc lọ Tì Bà đến nhà Sếp Sam. Sếp cầm chiếc lọ gật gù bảo: “ Chiếc lọ này người ta để lâu quá không lau, cậu phải lau lại cho nó lên ten”. Thực tình ông Sam cũng chẳng biết gì về ten chỉ nghe lời thầy bảo thế thì dặn Mùi thế. Mùi hỏi: “ Em phải lau thế nào để lên ten hả anh?”. Sếp Sam hồ hởi bấm đốt ngón tay rồi hướng dẫn: “ Bây giờ cậu đã mang đến, mang về không tiện. Ngày mai tầm mười ba giờ đúng giờ Mùi cậu đến đây, ngồi trên bãi cỏ này dùng lòng bàn tay xoa vào lọ. Cứ xoa bao giờ thấy nóng ran bàn tay thì nghỉ, sau xoa tiếp, mỗi chiều xoa bảy lần. Cậu làm vậy bảy ngày liền. Bảy ngày đó cậu không phải đến cơ quan, cứ đầu giờ chiều đến lau lọ, xong về nghỉ”. Dăn dò xong, Sếp mở tủ lấy xấp đô la đút vào phong bì đưa cho Mùi lẩm nhẩm: bảy lần là bảy vía, bảy ngày cũng là bảy vía, vía đàn ông chuẩn, đúng ý thầy. Thằng này được, tiếc gì nó.
Đang phải lao động bốc vác vất vả bây giờ được Sếp cho nghỉ, ngồi trên thảm cỏ nghe chim hót, xoa cái lọ bé con con đơn giản quá, chả đáng gì. Nghĩ vậy, Mùi cầm chiếc phong bì, bước nhanh ra cửa, vừa đi vừa vênh mặt lên huýt sáo. Vể đến nhà, Mùi hăm hở chạy vào buồng dúi vào tay vợ chiếc phong bì dầy, kể lại sự tình. Cầm sấp tiền, mắt nàng sáng tròn như viên bi ve, toét miệng cười. Bàn tay trắng nõn mơn man vuốt chòm râu dê dưới cằm chồng: “ Anh thật đáng yêu, không ngờ chòm râu dê đáng ghét này lại kiếm ra tiền, tháng sau sửa lại nhà anh nhá”.
Sếp Sam, từ ngày có được chiếc lọ Tì Bà tích Mộc Dương, đêm đêm nghe theo lời thầy tắm rửa sạch sẽ, chờ đến giờ Ngọ, ôm chiếc lọ ra thảm cỏ ngồi thiền: ngửa hai lòng bàn tay lên lấy năng lượng của trời, úp lòng hai bàn tay xuống cỏ lấy khí đất, áp tay vào mông dê lấy tinh khí, hít thớ sâu. Mỗi đêm luyện xong Sếp thấy trong người rạo rực, khoan khoái nhẹ nhàng.
P.X.H