
Cuộc gọi từ mẹ lúc khá khuya, hơn 10 giờ đêm, khiến chị giật thót. Bình thường mẹ hay đi ngủ sớm, không lẽ có chuyện gì?
– Mai Chủ nhật con có về không? Có mấy luống rau cải đang tốt lắm về lấy mà ăn không già mất.
Chị thở phào. Chị biết, chẳng phải vì mấy luống cải mà mẹ gọi vào giờ khuya thế. Mẹ nhớ con gái. Thường thứ bảy chị đã gọi cho mẹ. Chắc mẹ phải thấp thỏm mãi nên khuya mà không đừng phải gọi cho chị. Nghĩ đến ánh mắt khắc khoải mong ngóng của mẹ chị thấy nao lòng. Nhưng chủ nhật này chị đã lên lịch đi khám bệnh, nên đành gác việc về mẹ.
Dạo gần đây chị thấy thể trạng mình bất ổn. Chị hay bốc hỏa, đau đầu, đau dữ dội lắm, nhất là những ngày đến “tháng”, lại còn “ra máu” bất thường. Chị liên tưởng đến thủ phạm là một khối u nào đó. Nó khiến chị lo lắng, mệt mỏi. Còn theo đó cái “chuyện” vợ chồng cũng bất ổn, chị như mất “hứng thú”, né tránh khi chồng “gần gũi”. Chồng dằn dỗi, quay mặt vào tường.
Chị tất tả hòa vào dòng người nườm nượp ngược xuôi trên những dãy hành lang bệnh viện mười mấy tầng. Hết lên, lại xuống, đứng ngồi ở các cửa phòng khám chờ đến lượt. Ai cũng sợ bệnh viện mà sao nơi đó luôn tấp nập, đông đúc. Dù nóng lòng đến lượt, nhưng chị không lỡ chen trước mấy cô bụng chửa vượt mặt ở phòng khám Sản. Chị ái ngại cảm thông, nhớ lại những ngày tháng mang bầu con Su. Hết nghén ngẩm nôn ọe mật xanh mật vàng, đến sút hông đau lưng, chân phù, mắt húp. Đôi khi chị than vãn thì chồng “động viên” “nửa thế giới đàn bà chửa đẻ có phải mình em đâu. Phải cố gắng!”. Chồng nói cũng phải. Người ta được sinh ra trên đời từ nỗi đau đớn của mẹ. Trái đất có hơn tám tỷ người từ trong nỗi đau mà thành. Nhưng trong nỗi đau có niềm hạnh phúc của sự khởi đầu sự sống. Chị lấy thế mà chịu đựng. Bé Su ra đời như một thiên thần chị được ban, là niềm hạnh phúc vô bờ, khỏa lấp những đớn đau nơi chị. Nhưng trong sứ mệnh cao cả của người mẹ chị còn trải qua nhiều lần đau đớn. Chỉ là không có niềm hạnh phúc xoa dịu bởi không có sự sống mới, đó là những lần chị sảy thai. Chị vẫn còn đó, những ám ảnh, đau đớn cả thể xác, tâm hồn bởi mất đi giọt máu của mình. Có những lần, thai nhi đã gần bảy tháng, biết cựa quậy trong cơ thể chị. Sau lần sinh con Su, chị bị sa tử cung, những lần mang thai sau không giữ được. Một lần sảy bằng bảy lần sinh, vậy mà chị sảy tới 3 lần. Hai vợ chồng đành từ bỏ hy vọng có thêm đứa em cho con Su, con cứ nhắc hoài “con muốn có em như các bạn”. Chị thì tổn thương nhiều lắm, chồng không thể biết được, ngoài biết câu động viên “Một con Su là đủ rồi”. Anh cưng con gái như bảo bối. Anh cũng chẳng khi nào nhắc đến ý muốn có thêm con.
Nhưng lần này không phải tại mang thai. Cũng không phải tại khối u như chị lo sợ.
“Dấu hiệu mãn kinh sớm” – mấy từ kết luận trong phiếu kết quả khám xét làm chị ngơ ngác. “mãn kinh”. Mình còn U40 mà, chẳng lẽ lời phán quyết “gái 30 tuổi đã toan về già” là dành cho chị. Những kí ức xuân thì vẫn còn vẩn vơ bên chị như mới hôm qua. Chị nhớ bữa mẹ đưa cho chiếc áo ngực nhắc nhở “con mặc vào, thiếu nữ rồi đấy”. Từ hôm đó chị tự hào mình đã lớn. Ý thức đưa mình vào khuôn phép nữ nhi khiến chị bỏ dần sở thích chạy nhảy lăn lê, bò toài cùng đám con trai đánh khăng, thổi nịt, nhảy cống tắm sông cũng phải giã từ … Loáng một cái, gió thổi, mây đưa thanh xuân đi mất.
Phải làm sao bác sĩ? “Uống thuốc điều chỉnh, bổ sung nội tiết. Tử cung em bị tổn thương, suy giảm sớm. Nhưng yên tâm, điều trị sẽ kéo dài tuổi xuân, giảm các triệu chứng khó chịu. Sẽ trở lại bình thường thôi!”, bà bác sĩ ân cần xoa dịu cái tâm trạng âu lo đang phơi bày trên gương mặt chị. Dù giải tỏa được lỗi lo một căn bệnh hiểm nghèo, chị vẫn thấy như có một màn sương khói đang giăng mắc trong lòng. Cùng với việc cả buổi đi lại, khám xét khiến chị thấy mệt lả. Nhìn đường phố nghìn nghịt người xe xuôi ngược, chị thấy ái ngại. Chị gọi cho chồng. Anh đang đi gặp đối tác quan trọng, dặn chị đi bình tĩnh, không thì thuê người lái xe về.
Chị hoảng hốt khi đọc dòng tin nhắn trên điện thoại chồng, nó vô tình đập vào mắt, chứ không phải chị dò tìm, “Mong anh nghĩ lại, đó là một sinh mạng”. Chồng chỉ thủng thẳng “tin rác”, rồi nhấn xóa. Dù biết, thời buổi mạng, những tin rác, tin nhiễu, tin lừa đảo cứ loạn cả lên, ai chẳng vài lần gặp. Chị cũng còn đó bài học lừa tiền, nick của cô bạn thân nhắn chuyển vay năm triệu, chị chẳng ngần ngại, chỉ vài cái bấm trên điện thoại đã thực hiện xong tấm chân thành. Sau mới ngã ngửa, nick của cô bạn ấy bị hack. Nỗi đau tiếc của không bằng nỗi uất ức lòng tốt bị chà đạp, và câu kết tội của chồng “Người giời”. Song trong thâm tâm chị linh cảm có điều gì bất ổn. Bởi chị mơ hồ nhận thấy, giữa hai vợ chồng đang có một một bức chắn vô hình. Sự quan tâm, sẻ chia dần vắng vẻ. Bữa cơm tối được mặc định là bữa cơm gia đình cũng đành phá vỡ quy ước bởi “bố còn giải quyết công việc…”, “bố tiếp khách …”, “bố đi công tác …”. Ngày chủ nhật dành cho gia đình rồi cũng san sẻ cho “Dự án”, “đối tác quan trọng” của bố”. Bé Su cưng của bố cũng dần quen. Với lại, con bé lên cấp 2 rồi, nó có cả một sấp thời khóa biểu học tập trong tuần, học ba buổi trên ngày, thứ bảy, chủ nhật có lịch ở câu lạc bộ năng khiếu… Nhịp sống ấy dần quen như nhịp bước thời gian, sáng – trưa – chiều – tối, chu kỳ nhịp điệu Ngày – Đêm, nó hóa mòn trong ý niệm. Đến cả tình yêu nồng nàn của anh chị suốt bốn năm sinh viên, sau kết tinh bằng một đám cưới như trong cổ tích, hơn mười năm giờ cũng mòn nhạt như nắng chiều.
Con gái hôm nay lạ lắm, nó cứ lẵng nhẵng theo chân chị lên nhà, ra vườn, vào bếp. Chị thì đang cuống lên dọn dẹp cơm nước. Trưa đã muộn. Vội. Nghĩ con lại định vòi vĩnh. Sẵn nỗi bực trong lòng, chị quát, “muốn gì nói mau rồi vào bếp giúp mẹ, trưa rồi!”. Con gái xị mặt, chực khóc. Thường ngày quát mấy nó vẫn nhơn nhơn, còn làm trò khiến chị phì cười mà hết bực. “Mẹ! Con ra máu”. Một luồng tê tái xuyên vào xúc cảm của chị. Gương mặt cau có của chị chuyển ra ơ thờ. Đứa con gái bé bỏng của chị đã phải từ giã tuổi thơ vô tư lự rồi sao? Trong mắt chị con vẫn còn thơ dại, lớp 6 thôi mà. Chị gắng kìm cảm xúc, nở nụ cười xoa dịu lo lắng nơi con. Như mọi khi chị rí rỏm. “Không sao, đã có Kotex, Diana có cánh đánh bay mọi ưu phiền”. “Con đau bụng lắm”. Không thể phát huy tính hóm hỉnh được nữa. Con lại di truyền sự đau đớn hãi hùng cả một thanh xuân của chị? Chẳng nỗi đau nào giống nỗi đau nào. Người ta ví “đau như đau đẻ”, chẳng sai. Còn cái đau “đến tháng” có ai gặp mới biết, cũng như xé từng đường gân thớ thịt. Nhưng lúc này đây chị không thể truyền lại kinh nghiệm cho con rằng, chẳng thể làm gì được ngoài chịu đựng. Và như mẹ, sau khi sinh con sẽ vơi đau đớn.
“Gắng lên con, mỗi cô gái dậy thì một kiểu, con bị đau bụng, còn có bạn mặt như sủi cảo, có bạn tròn ủng ra như Đôrêmon …”. Chị lấy hai ngón tay bẹo nhẹ lên đôi má căng mịn trắng mỡ của con mà làm trò. Ánh mắt sáng long lanh, con gái trở lại cái dáng vẻ linh hoạt, tươi vui vốn có. Có lẽ, con đang hình dung ra những khuôn mặt đỏ bừng, gồ ghề những mụn của mấy cô bạn cùng lớp mà thấy mình còn may mắn.
Trời đã sang chiều, song có điều gì đó thôi thúc, chị muốn về thăm mẹ.
*
“Em có việc muốn gặp chị. Mong chị đến, vì có liên quan đến sinh mạng…” – Tin nhắn đến từ nickname “Thu Sầu”, cái tên chị đã bắt gặp ở điện thoại chồng, mà anh bảo là tin “rác”, cả hai từ “sinh mạng”. Chị choáng váng. Phải chăng đó là điều chị đã linh cảm về sự bất ổn.
– Vì không như thỏa thuận, thai nhi là con gái. Chồng chị đã bù đắp một khoản kinh phí và yêu cầu em phá. Nhưng đứa bé được hơn bốn tháng rồi, lương tâm người mẹ khiến em không lỡ. Nhưng mà … em không có điều kiện sinh và nuôi dưỡng đứa bé. Vì thế em mới nhờ đến chị.
Nhìn cô gái còn khá trẻ, chắc kém chị đến chục tuổi, ăn mặc sành điệu, cái bụng đã nhum nhủm, chị không hiểu nổi cái trạng thái của tâm hồn mình lúc này sao nữa, không biết đang là thực tại hay chỉ là ảo giác.
– Sao tôi có thể tin, cô có thể là kẻ lừa đảo? – Chị cố trấn tĩnh, nói dứt khoát.
– ADN sẽ không thể lừa. Mà em còn đoạn ghi âm nói chuyện với chồng chị. – Cô gái nói vẻ thành khẩn.
– Nhưng, chồng tôi còn chẳng cần nữa, thì đứa bé ấy tôi cần gì. Cô chờ tôi bỏ anh ta rồi nhặt lấy – Chị nói, thái độ lạnh lùng, cương quyết.
Cô gái tỏ ra bối rối. Chợt cô ta quỳ sụp xuống chân chị:
– Anh ấy đâu yêu em, chỉ là chán cơm thèm phở. Em xin chị, vì đứa bé vô tội, cả đời này em mang ơn chị. Không gì nó cũng có dòng máu đang chảy trong người con gái chị!
Mấy từ cuối của cô ta như một luồng gió mạnh táp vào mặt chị.
– Cô đứng lên! Cô không có tư cách nhắc đến con tôi. Các người không xứng đáng làm cha mẹ … – lời chị run run.
Cô gái cứ quỳ, cúi đầu dưới chân chị.
Chị quay người bước đi như chạy trốn.
*
Đường về nhà quen thuộc. Hàng cây bạch đàn đang mùa thay lá, lá vàng xào xạc rơi xuống bờ vai. Có tiếng lá như rơi vào lòng chị nỗi niềm mênh mang. Một nỗi đau không giống những nỗi đau chị đã trải qua đang bóp nghẹt nơi lồng ngực. Đất trời vạn vật hòa vào guồng quay bất tận của thời gian. Quy luật nhân sinh vận hành không đổi. Mùa thu cây thay lá, mùa xuân nảy lộc đâm chồi … cuộc sống vẫn đang chảy mải miết như dòng sông kia. Chỉ đời người giống như ánh nắng cuối ngày bị thời gian đuổi bắt.
Mẹ ngồi đó, dưới bóng hiên chiều, mái tóc đã pha sương. Nhìn dáng mẹ lẻ loi tội nghiệp, chị xót xa thầm hỏi, điều gì giúp mẹ vượt qua những niềm đau và nỗi cô đơn bao tháng ngày qua? (Bố bỏ mẹ theo người đàn bà khác khi chị còn thơ dại. Chị vẫn mong một ngày bố quay về bên mẹ, để tuổi xế chiều mẹ bớt cô đơn, buồn tủi).
Mẹ ngước nhìn lên, gương mặt rạng ngời, như không có nỗi phiền muộn nào ẩn nấp.
– Con về muộn thế?
– Con giở chút việc mẹ ạ!
– Túi rau mẹ nhặt rửa sạch sẽ rồi đây, về cất vào tủ ăn dần. Có mấy quả na chiêm, mẹ để dành phần con Su.
Mẹ nói vồn vã như lâu lắm chị mới về, chân tay mẹ cuống quýt sắp đồ. Bỗng mẹ dừng lại, nhìn chị hồi lâu, tần ngần:
– Con có chuyện gì thế? Con không khỏe ở đâu à?
Nhìn đôi mắt âu lo của mẹ, chị biết một điều, chị không có quyền làm mẹ buồn thêm nữa. Cả chị cũng thế. Cuộc sống quý giá này không có chỗ cho những nỗi đau vô nghĩa.
– Con vẫn khỏe mẹ ạ. Chắc tại mấy hôm con bận việc.
Chị choàng ôm bờ vai nhỏ của mẹ cười nũng nịu. Ngoài vườn heo may rầm rì trên những luống rau xanh mượt.
“Cô hãy giữ đứa bé! Tôi sẽ nhận nó”. Chị tắt điện thoại, tay nhè nhẹ điều khiển vô lăng, hạ kính, cho xe chạy chầm chậm để đón hoàng hôn mênh mang.