
Có lẽ hình ảnh đẹp nhất hiện nay là các nam thanh, nữ tú áo xanh tình nguyện hướng dẫn, dẫn đường cho các thí sinh bước đầu còn “lạ nước, lạ cái” với nơi thành thị, xa lạ, không người thân quen…
Cả nước đang bước vào “mùa thi” tuyển sinh vào các trường cao đẳng và đại học, những… “cô tú, cậu tú” phổ thông, cùng với cha mẹ tất bật lo toan cho việc thi cử, ngược xuôi để về các tỉnh, thành phố lớn “ứng thí” vào các trường trong mơ ước…
Có lẽ hình ảnh đẹp nhất hiện nay là các nam thanh, nữ tú áo xanh tình nguyện hướng dẫn, dẫn đường cho các thí sinh bước đầu còn “lạ nước, lạ cái” với nơi thành thị, xa lạ, không người thân quen…
Và cũng thật đẹp với rất nhiều nghĩa cử tổ chức bữa ăn miễn phí, nhà trọ miễn phí, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho các sĩ tử yên tâm trong những ngày thi cử của những tổ chức Hội, Đoàn và những cư dân thành phố tốt bụng.
Có điều chẳng biết mừng hay vui, khi năm nào báo đài cũng đưa tin đông đảo sĩ tử “lai kinh ứng thí” đều đến “kính viếng” các “cụ Rùa” đội bia ở Văn Miếu – Quốc Tử Giám, đến nỗi… đầu các cụ “trơn trơ” vì hàng ngàn, hàng vạn bàn tay “xoa đầu” các cụ để lấy may thi đỗ! Việc làm trên được cảnh báo là có nguy cơ ảnh hưởng đến di tích, hư, gãy… đầu các cụ, đến nỗi ban quản lý khu di tích phải làm các hàng rào sắt chắn không cho các sĩ tử tiến gần các cụ Rùa…
Hình ảnh ấy vừa đẹp lại vừa không đẹp! Việc tôn kính linh vật, tiền nhân, hay đến một nơi lưu giữ “linh khí” quốc gia trước khi dự một kỳ thi quan trọng trong đời là điều nên làm. Song nếu vì quá mê tín, chỉ tin vào chuyện thắp nhang cầu khấn, hay chen lấn, tranh nhau sờ vào linh vật hòng xin sự may rủi cho việc học hành thì hoàn toàn là điều cần tránh, vì sao? Bởi Thần, Thánh (nếu có) sẽ không độ trì cho những người chỉ biết ăn chơi, lêu lổng, biếng nhác việc học hành… Không thể lấy “vận hạn, sự may rủi” để so sánh với sự kiên trì, bền bỉ, siêng năng trong việc học, và cũng sẽ là không công bằng khi người học dở, học kém… lại thi đỗ, còn người chăm chỉ, “có công mài sắt” lại bị thi hỏng!
Đó cũng chính là hệ lụy của những tiêu cực trong học hành, thi cử như chúng ta đã từng biết
Rồi sẽ ra sao khi các sĩ tử này sau những năm dùi mài kinh sử trên giảng đường đại học, trở thành những anh, chị “Cử”, thậm chí là Thạc sĩ, Tiến sĩ, ra “làm quan” nhưng vẫn tin vào sự rủi may và phúc phần do Thánh, Thần mang tới? Phải chăng vì thế mà thực tế hiện nay, rất nhiều mâm lễ “khủng” đắt tiền, sang trọng vẫn thấy thường xuyên xuất hiện ở các đền, chùa, miếu mạo, gây lãng phí không nhỏ; và rồi đỉnh điểm là các vụ “tranh cướp” ấn ở Đền Trần linh thiêng vẫn diễn ra hàng năm, không cách gì chấn chỉnh được…
Nên chăng, các nhà trường, gia đình, giòng tộc ngay từ đầu nên giáo dục học sinh, con cháu, ở mỗi dịp thi quan trọng của đời người, chỉ cần thắp nhang trình báo tổ tiên, ông bà là đủ lễ thành tâm và văn hóa lắm rồi. Việc đến viếng các di tích, nơi thờ tự tiền nhân chỉ là việc… giảm nhẹ những căng thẳng, giúp các em bình tâm thế để tự tin bước vào một kỳ thi với sở học của bản thân mà thôi… Làm được như vậy không chỉ sẽ hạn chế được những tiêu cực trong thi cử hôm nay, mà còn góp phần hình thành ý thức tự lập, tự chịu trách nhiệm cho các em trong tương lai. Điều đó cũng chính là một trong những yếu tố góp phần hình thành nhân cách của con người mới mà Nghị quyết Trung ương 9 về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam vừa đề cập đến.
THV