
Nghe bác Nga kể lại đầu đuôi câu chuyện, Nam chắc thằng bé bị đuổi là Hùng Lé. Nó tin như vậy, mặc dù tận mắt nó không nhìn thấy thằng bạn vừa mới chia tay ở đồn công an cảng. Nó chỉ lạ một điều, Hùng Lé đến đây để làm gì? Phải chăng nó muốn đến gặp Nam? Những điều cần nói, nó đã nói rồi. Ở đồn công an cảng, các chú đã xác nhận lời Hùng nói là đúng. Nếu không ngăn chặn kịp thời, đêm nay bọn Sáu Xồm sẽ đánh quả vào chỗ nào đấy ở cảng. Ai cũng tiếc rằng Hùng đã không ở lại, ai cũng lo ngại Hùng sẽ gặp không may nếu nó lang thang mãi trên đường phố.
Nam thấy việc đầu tiên nó cần phải làm là đi gặp chú Miên. Chú ấy dặn trong thời gian ở lại thành phố, khi cần Nam có thể tìm gặp chú bất kỳ lúc nào. Chú Miên cho rằng vụ này chưa hoàn toàn xong xuôi nếu như các chú ấy chưa gặp và nói chuyện được với Hùng Lé. Chắc Hùng Lé còn biết những điều mà bọn Sáu Xồm giấu giếm.
Chú Miên đưa Nam đến gặp chú cán bộ đã hỏi chuyện và đưa cho Nam xem tập ảnh những người lạ mặt hôm trước. Chú Miên lui ra và trong phòng chỉ còn hai chú cháu: chú Quảng và Nam.
– Suýt nữa thì trôi ra biển hả? – Chú Quảng vui vẻ nói – Các chú ấy bảo rằng cháu khá lắm, chú rất mừng. Mừng nữa là lũ trộm đã được phanh phui nhanh chóng, của cải của nhà bác Thịnh đã được trả lại gần đủ – chú mỉm cười – hầu như chỉ còn thiếu con búp bê. Đứa con gái bác ấy vẫn còn khóc…
– Đó là lỗi ở cháu – Nam đỏ mặt – Cháu đã cầm ở tay thế rồi cháu lại nhờ Hùng Lé giữ hộ. Nó đi mất luôn…
– Thằng bé không đi mất đâu, chắc là chỉ quanh quẩn ở trong thành phố – Chú Quảng lấy hai ngón tay bẹo cằm mình, nói tiếp, dáng suy nghĩ – Nhưng cũng thật đáng tiếc. Giá như Hùng Lé ở lại… thì sẽ tốt cho nó và cho chúng ta…
Nam vội vã:
– Thưa chú, hồi nãy hình như Hùng Lé trở lại chỗ nhà cháu… Chú Quảng buông hai ngón tay khỏi cằm, đứng bật dậy:
– Vậy à? Nhưng sao lại hình như?
– Cháu không gặp nó, nhưng theo lời bác Nga thì chắc là Hùng Lé. Nó vừa ló đầu ra khỏi cầu thang thì gặp bác Nga, bác ấy la lên, thế là nó bỏ chạy.
– Nó chạy đi đâu?
– Nó chạy vào cái ngõ bên cạnh rồi chui qua một cái lỗ hổng nhỏ, biến mất.
– Đúng như thế?
– Cháu không thấy nhưng một người đàn ông đứng ở đó bảo với bọn cháu thế.
Chú Quảng cười, nhưng Nam biết rõ chú cười không phải vì chú đang vui. Chú nói:
– Lại nghe người khác nói. Thật là đáng buồn, phải không cháu? Được rồi, có thể chiều nay chú thử đến chơi chỗ cháu xem sao. Có điều là chú sẽ mặc thường phục, cháu sẽ nhận chú là bạn của bố cháu. Nhớ nhé. Còn bố cháu thì chỉ nội ngày mai là về đến nhà rồi. Các chú đã cho người báo tin cho bố cháu rồi. Sướng nhé!
Được gặp bố, Nam thích lắm, nhưng rồi Nam sẽ nói với bố thế nào về việc đưa Hùng Lé về nhà? Nam định ở lại một hôm rồi tìm cách về quê, Nam sẽ nói hết với mẹ, sẽ nhận lỗi với mẹ. Còn bố, Nam sợ lắm. Bố không dễ tha thứ cho Nam như mẹ đâu. Nhưng dù sao thì bây giờ Nam cũng phải chờ bố rồi…
Chú Quảng lại nói:
– Nhưng ta hẵng trở về với Hùng. Cháu nghĩ về cậu bé ấy thế nào? Nam nói ngay:
– Cháu thấy nó cũng tốt. Chú Quảng cười dịu dàng:
– Có thể cháu nói đúng. Hùng đã làm một số việc để chú cháu ta có thể nghĩ tốt về nó. Nó đã rủ cháu bỏ trốn khỏi chiếc thuyền. Nó đã nói với cháu về âm mưu sắp tới của bọn lưu manh. Nhưng Hùng Lé có một biệt tài… khá nguy hiểm. Trong bọn bụi đời, không mấy tên có thể mở khóa vào nhà người ta dễ dàng như nó. Để một thằng bé lang thang trên đường phố với chùm chìa khóa đặc biệt như vậy là không nên! Vả lại, chú cháu ta cần phải giúp nó. Hùng thì khác gì cháu? Chỉ có điều là cháu may mắn hơn nó thôi. Thật đáng thương… – Chú bỗng đứng lên, đi lại mấy bước rồi lại ngồi xuống bên cạnh Nam, nói tiếp – Cháu có thấy như thế không? Hùng thật đáng thương. Không hiểu sao chú cứ nghĩ… à, mà thôi ta xuống vườn cho mát. Chú muốn kể cho cháu nghe chuyện này.
Hai chú cháu xuống cầu thang, ra vườn. Chú Quảng kéo Nam ngồi xuống một chiếc ghế đá. Chú im lặng một lúc lâu rồi mới bắt đầu kể:
– Năm một ngàn chín trăm bảy mươi, nghĩa là cách đây mười năm, hồi đó chú công tác ở giới tuyến Vĩnh Linh. Nhiệm vụ trên giao cho đơn vị chú là phải theo dõi những hoạt động tình báo của địch qua giới tuyến. Trong đơn vị, có chú và chú Bình là người Hải Phòng. Tình cờ, hai anh em đồng hương đều được giao cương vị phụ trách, chú là phó còn chú Bình là trưởng. Bọn chú trinh sát dọc sông Bến Hải. Thế rồi hôm đó, trong cuộc săn lùng một tên gián điệp vừa được đánh ra miền Bắc, chú Bình bị nó bắn vào cổ. Chú Bình tắt thở trên tay chú. Trước khi chết, chú ấy chỉ dặn chú hai điều: Một là phải tìm ra và theo dõi tên điệp viên có mật danh Cóc Vàng, hai là sau này có dịp ra công tác ở quê hương Hải Phòng nếu có thể, đưa thằng con chú ấy về nuôi và dạy dỗ cho mẹ nó đỡ khó khăn.
Chú Quảng im lặng một lúc. Rồi chú kể tiếp:
– Vậy mà cả hai việc chú ấy nhờ, chú đều không làm tròn. Cóc Vàng mất dấu vết ở Vĩnh Linh. Nó lộ ra trong vài ngày ở Thanh Hóa rồi biệt tích. Hai năm rưỡi sau các cơ quan phản gián của ta tìm thấy vết tích nó ở Hà Nội, nhưng cuộc săn tìm đang tiếp tục thì nó lại biến mất. Việc thứ hai cũng không xong. Chú tìm đến nhà chú Bình quá muộn, bởi vì công việc không cho phép, cuộc sống các chú ở giới tuyến căng thẳng quá mà! Nghĩa là hơn tám năm sau, ba năm sau chiến thắng, chú mới có dịp trở lại Hải Phòng. Vợ chú Bình không còn ở đấy nữa. Cô ấy đã lấy chồng và theo chồng ra khu mỏ. Chú ra Hòn Gai rồi Cẩm Phả tìm cô ấy. Cũng may, sau nửa tháng trời lận đận nhờ anh em quen biết giúp đỡ, chú đã tìm ra. Chú mừng lắm, tâm niệm rằng khi gặp vợ chú Bình, chú sẽ xin cô ấy đưa con chú Bình về làm con nuôi, dạy dỗ nó nên người, vì nghĩa tình đối với bạn. Nhưng cũng buồn thay, cô Bình và người bố dượng cho biết là thằng bé đã bỏ nhà đi cách đó hai tuần! Ôi, giá như chú về Cẩm Phả sớm được hai tuần! Chú đánh điện xin cơ quan ở lại khu mỏ một tuần nữa. Chú đã nhờ nhiều cơ quan công an và anh em giúp đỡ sục tìm những thị trấn vùng mỏ, nhưng việc tìm kiếm chẳng đi đến kết quả nào. Thế rồi, đến hôm xảy ra vụ trộm và nhất là sáng nay, sau khi nghe các chú báo cáo lại chuyện của cháu và Hùng Lé, chú cứ nghĩ rằng Hùng Lé chính là thằng Nghĩa, con trai chú Bình! Theo chỗ chú biết thì ở thị xã Cẩm Phả lũ trẻ vẫn gọi tên thằng con riêng của cô Bình là Hùng, Hùng Lé và chỉ khi nào có hai mẹ con với nhau, cô Bình mới gọi tên con là Nghĩa. Chắc là cô ấy phải đổi tên con theo yêu cầu của người chồng mới. Người ta không muốn trong gia đình có nhiều chuyện phức tạp, con anh, con tôi đấy thôi. Còn Hùng hay Nghĩa có biết điều ấy hay không, chú không hiểu. Chú chắc rằng nó biết bởi vì khi mẹ nó đi lấy chồng thì nó đã lên tám rồi còn gì. Chẳng nhẽ lại có hai đứa trẻ cùng tên là Hùng Lé, cùng ở Cẩm Phả và cùng một cảnh ngộ. Chỉ có điều trục trặc là chỗ này: Trong câu chuyện kể trên biển cho cháu nghe, nó không hề nói với cháu rằng nó là con liệt sĩ?
– Đúng thế ạ – Nam nói.
– Vô lí! Nhất định con cô Bình biết điều đó. Nhưng thôi, tất cả sẽ rõ ràng nếu chúng ta tìm ra Hùng Lé. Cháu về đi, lát nữa hay chiều nay chú sẽ xuống thăm cháu.
***
Nam không vào nhà ngay mà đi thẳng đến cái ngõ. Thật ra, nó cảm thấy có điều gì không được tự nhiên khi nhớ lại thái độ người đàn ông hồi sáng: “Chuột vào hang rồi, nó vừa chui qua cái lỗ này đây!”. Từ câu nói đến nét mặt người đàn ông có điều gì đó không bình thường. Giá như trước đây thì Nam tin ngay, nhưng bây giờ nó đã học được bài học cảnh giác. Người đàn ông ấy là ai? Tại sao lại đứng ở đó đúng lúc vậy?
Nam bước theo lối ngõ, dừng lại trước lỗ “hang chuột”. Khu nhà đổ vắng ngắt vắng ngơ. Có mấy tấm biển đề hàng chữ: “Nhà đổ, nguy hiểm chết người!” với cái đầu lâu và hai khúc xương bắt chéo. Có lẽ nhờ có chúng mà lũ trẻ từ lâu ít bén mảng đến cái ngõ này. Nam đưa mắt nhìn xung quanh. Bỗng nó chú ý đến một mẩu vải phất phơ khi ẩn khi hiện trong khung cửa sổ một gian chuồng cu rách nát tận gác ba ngôi nhà. Có thể đó là một cái khăn mặt. Như thế là có người. Nam đắn đo không biết có nên mạo hiểm leo lên gian buồng đó không? Suy nghĩ một lúc, nhớ lại chuyện theo dõi Sáu Xồm rồi bị hắn bắt cóc xuống thuyền hôm nọ, Nam lưỡng lự. Khôn ngoan hơn cả là đứng canh chừng ở đây, chờ chú Quảng. Nam nhịn cơm, nó lảng vảng đầu ngõ suốt buổi trưa.
Trong lúc đó, Hùng Lé đang lẳng lặng nhai bánh một cách ngon lành. Vốn dạn dày trong cuộc đời gió bụi và thường xuyên phải chạm trán với nguy hiểm đủ điều, Hùng đã mất ngay cái vẻ e sợ ban đầu. Nó vừa ăn vừa quan sát người đàn ông, cố tìm ra trên khuôn mặt, quần áo ông ta những chi tiết nào đó để có thể trả lời câu hỏi gay gắt trong đầu nó: Ông ta là hạng người nào vậy? Nhưng nó cảm thấy khó vô cùng. Việc khám phá ra con người khó hiểu này hình như là quá sức đối với nó.
***
trong phòng làm việc của đồng chí công an hộ tịch tiểu khu, chú Quảng và Nam được biết là trong ngôi nhà đổ mang số 138 có một người đàn ông ở. Ông ta tên là Nguyễn Văn Mì, nhân viên bảo vệ của Công ty nhà cửa. Ông ta không có hộ khẩu thường trú ở đây, nhưng có nhiệm vụ đến đây để trông coi khu nhà, chuẩn bị cho việc mở một công trường xây dựng. Ông Nguyễn Văn Mì đến đây đã hai tháng. Đồng chí hộ tịch cho biết từ ngày ông ta dọn đến ở, khu đất bề bộn sạch sẽ hơn hẳn. Người ta không vào đó phóng uế và đổ rác như trước, trẻ con cũng không đến nghịch ngợm hay lấy gạch quẳng vung vãi lung tung trên đường phố nữa.
– Giấy tờ của ông ta? – Chú Quảng hỏi.
– Ông ta có mang đến một giấy giới thiệu của Công ty.
Chú Quảng cảm ơn đồng chí công an hộ tịch rồi kéo Nam ra về. Chú dắt Nam đi bách bộ dọc đường phố. Ngang qua ngõ 138, chú nói:
– Dù sao thì cháu cũng phải giúp chú để mắt tới cái ngõ một chút. Có việc gì thì gặp chú Miên nhé.
– Cháu muốn về quê lắm rồi!
– Thế cháu không đợi bố về à? Cháu không muốn gặp lại Hùng à? Nam nhớ lại câu chuyện chú Quảng kể rồi nói:
– Vâng, cháu sẽ ở lại ạ.
– Đúng, phải đi đến nơi về đến chốn chứ. Cháu chưa gặp được bố cháu là đi chưa đến nơi về chưa đến chốn đâu…
***
Hùng bừng mắt dậy lúc trời đã về chiều. Ngủ quá say vì thấm mệt, đầu óc nó nhức như búa bổ. Gian phòng sáng lên một góc nhờ nắng chiều rọi chếch ngang càng thêm vẻ ma quái. Hùng tưởng mình đang lạc vào một hang động nào cổ xưa, tách biệt hẳn với thế giới bên ngoài.
Ngả lưng trên một cái ghế xếp vải bạt, người đàn ông vừa hút thuốc vừa lặng lẽ nhìn Hùng. Trông ông ta khác hồi sáng rất nhiều, trầm lặng và oai vệ, ra dáng ông chủ nhà.
– Ngủ nữa đi cậu bé – Ông ta nói.
– Cháu ngủ chán mắt rồi.
– Vậy à? Tốt. Ở đây chỉ hiếm một thứ là nước. Con lấy khăn của ta lau mặt cho tỉnh ngủ. Còn con bé kia – Ông ta hất hàm chỉ con búp bê Hùng vẫn cầm trên tay – Hãy đặt lên bàn, trông nó cũng ngộ nghĩnh đấy chứ.
Hùng lấy khăn lau mặt, đặt con búp bê lên bàn, ngồi xuống.
– Ông cho con về… con cám ơn ông.
Người đàn ông nhướn đôi lông mày rậm:
– Con hãy gọi ta là ba và ở lại đây.
Hùng thấy chẳng thà nuốt một con chuột còn hơn gọi người trước mặt mình là ba. Vả lại, tiếng ba quá xa lạ đối với nó.
– Không, ông cho con đi…
Lần này nó không nói về mà đi. Người đàn ông nhận ra điều đó.
– Con đi đâu? Chỉ cần ló đầu ra ngõ là con đã rơi vào tay bọn họ. Họ nhẵn mặt con ở đây rồi mà. Vả lại từ trưa đến giờ ta vẫn thấy một thằng bé lảng vảng quanh đây. Một thằng bé vẻ nhà quê đặc trưng nhưng lại nho nhoe làm thám tử, nó đâu có lừa nổi mắt ta. Vậy thì tốt hơn hết là cứ ở lại đây chờ tối. Ta cũng muốn nói với con một câu chuyện…
Ông ta từ từ rít thuốc lá. Rồi ông ta thổi một hơi khói dài lên trần nhà, một mảng trần đã mọc rêu và có những rễ cây li ti đâm từ sân thượng xuống.
– Con biết đấy, ta rất cô đơn – Ông ta trở lại vẻ dịu dàng – Người ta con đàn cháu đống còn khó sống trong tuổi già huống gì ta, một thân một mình trơ trọi. Ta không muốn làm con mủi lòng, nhưng biết thế nào hơn, quả thực hoàn cảnh của ta thật đáng thương. Mẹ con mất sớm, hai anh con đứa chết rồi, đứa làm ăn tận đâu đâu. Thằng bất hiếu, nó coi như trên đời này không còn người đẻ nó ra nữa. Ta buồn lắm, ta chỉ muốn con ở đây với ta, rau cháo với ta, có thế thôi. Con còn e ngại điều gì? Việc ta giúp con thoát hiểm hồi sáng chưa đủ làm con hiểu lòng ta ư?
Hùng lặng im. Quả thật những lời dịu dàng của người đàn ông làm mềm lòng nó.
– Ta không yêu cầu gì con – người đàn ông nói tiếp – Ta chỉ cần một tình thương, con ạ, ta cần một bát cháo lúc ốm, con mang đến bên ta và nói: “Cháo đây, ba ăn đi!”. Con có hiểu ta nói gì với con không?
– Con hiểu…
Hùng biết là nó đã lỡ lời. Nhưng nó không ân hận. Tim nó rung lên. Nó nhìn thấy trước mặt mình một người đàn ông khác. Không phải bộ quần áo ấy. Không có mùi hôi ấy, không có cái nhìn kì dị ấy nữa. Trước mặt nó là một người cha đau khổ. Một người đàn ông đang khao khát tình thương, cũng như nó. Những ngày sống với Sáu Xồm như một vụ hạn hán kéo dài làm khô kiệt bao mạch nước khiến cõi lòng nó trở nên cằn cỗi, lạnh giá. Nó thèm một lời nói dịu dàng, một tình thương yêu. Nó đã có một ông bố và ông ấy chỉ cho nó roi vọt, những cái đạp thô bạo. Nó đã có một bà mẹ hết lòng thương yêu nó, nhưng bà không đủ sức giữ nó lại nhà.
Người đàn ông mỉm cười. Ông đứng dậy, đến bên Hùng vuốt ve tóc nó:
– Vậy chứ, ta cảm ơn con, chính là ta phải cảm ơn con mới đúng. Ta cứu con khỏi trại trừng giới, nhưng con đã kéo ta ra khỏi cảnh cô đơn. Bây giờ ta dặn con: Con đừng ra khỏi nhà nếu ta chưa đồng ý. Chắc con biết người ta đang rình mò con. Nếu người lạ đột ngột vào, khi họ leo qua cầu thang thì con cũng còn thì giờ để lên đây – ông ta chỉ tay lên một cái lỗ vuông trên trần – con hiểu chứ?
Hùng nhìn lên và nó thấy không phải ngẫu nhiên mà cái bàn lại được kê phía dưới cái lỗ.
Tối hôm đó, Hùng ăn cơm, uống một cốc nước chè, một ca nước trắng rồi nằm xuống bên cạnh người đàn ông, ngủ mê mệt.
Sáng hôm sau ngủ dậy nó thấy chỉ còn lại mỗi mình trong gian phòng. Nó dụi mắt nhìn chung quanh. Tất cả vẫn y nguyên: con búp bê gỗ trên bàn, chiếc ghế xếp bên cạnh, mấy hòn gạch lăn lóc đây đó trên nền nhà nứt nẻ và ẩm ướt. Một miếng giấy nhỏ lăn cạnh gối: “Cơm ở góc chạn, bô ở chân giường. Con nhớ cái lỗ trên trần”. Hùng mỉm cười. Ông già chu đáo quá. Nó mở cái chạn vừa cũ vừa ọp ẹp ra. Một chiếc cặp lồng ba ngăn đậy điệm tử tế. Ngăn cơm, ngăn canh, còn ngăn kia là một bìa đậu phụ. Hùng lấy khăn mặt lau qua đôi mắt đầy ghèn, bụng nghĩ: “Không biết ông già kiếm các thứ này từ lúc nào?”. Vốn quen phán đoán mọi tình huống, nó tự trả lời ngay: “Đúng là lúc mình đang ngủ. Vậy lúc mình ngủ thì ông già thức và làm mọi thứ cho mình”. Nó thấy cảm động về sự săn sóc của người mà nó vẫn chưa quen gọi là “ba” ấy. Hùng lấy cơm ra ăn. Nó đã thấy đói. Nó vừa ăn vừa mong sớm được tự do, được ra ngoài và trong ngày đầu tiên ấy thế nào nó cũng làm một việc gì để có thể mua được những thứ cho vào bụng. Bám một ông già hom hem thế này, nó thấy xấu hổ thế nào đấy. Nhưng tất nhiên cửa đã bị khóa bên ngoài. Nó ngán ngẩm ngồi xuống giường, dọn dẹp các thứ lại cho ngăn nắp. Trong khi quét dọn, nó phát hiện thấy một viên gạch trên tường bong ra, phía trong là một cái hốc trống không, một cái tổ chuột nhắt. Hùng nghĩ ngợi, đoạn lấy con búp bê gỗ bỏ vào. Nó nghĩ: “Hãy cất vào đó, rồi sẽ tìm cách trả lại cho bé Liên”. Sau khi lấy một viên gạch che kín con búp bê, nó thấy yên tâm hơn, coi như chuyện thế là xong rồi, không phải nghĩ ngợi gì nữa.
Hùng đứng dậy. Nó không quen bị nhốt chặt trong một căn buồng bẩn thỉu, hôi hám như thế này. Hồi trước nếu cần nhốt nó lại, Sáu Xồm và Muỗi Vằn khóa tay, khóa chân nó. Nhưng nó mở ra được ngay và thênh thang một mình trong con thuyền 162, giữa trời nước bao la. Còn bây giờ là cả một cái địa ngục. Hùng nhìn lên: Khung cửa sổ duy nhất trên tường đã được che chắn kĩ bằng tấm cót cài vào song sắt. Nó muốn hé tấm cót nhìn ra ngoài một chút. Nghĩ sao, làm vậy. Hùng đứng lên phản, kéo tấm cót xuống. Nó cẩn thận lùi vào trong nhìn ra. Nhưng như vậy nó chỉ thấy một đoạn của bức tường trơ những hàng gạch mọc rêu xám xịt. Hùng bước lên và nó liều mạng thò đầu cho chạm vào dãy song sắt. Một làn gió thơm nức mùi hoa lá, mùi nước phù sa đang lên làm tóc nó phất phơ. Hùng hít một hơi dài. Bỗng nhiên tim nó như đứng lại. Nó nhìn thấy thằng Nam, chính là thằng Nam Quỷnh, đang cúi xuống nhặt cái gì dưới đất, lối đi vào ngõ. Đúng rồi, nó nhặt một viên đạn, lắp vào súng cao su và bắn vu vơ về phía ngôi nhà. Hùng tụt đầu vào: Nó đánh giá ngay được sự nguy hiểm. Bây giờ thì không thể đóng tấm cửa lại được nữa. Nam, mày chơi súng cao su thật hay chỉ là giả vờ? Mày có nhìn thấy tao không? Giá như cửa mở thì Hùng có thể tung ra, chạy ngay xuống với thằng Nam, kéo nó cùng đi đến một đồn công an nào đó rồi ra sao thì ra. Nhưng đâu có làm thế được.
***
Nam đã nhìn thấy cái đầu tụt vào. Sáng sớm nay nó thấy ông già bảo vệ ra mở cửa, ông ta khóa cửa bằng một cái khóa đồng ngoắc vào hai đầu vòng xích rồi lập cập bước xuống cầu thang. Nam đứng chờ ở đây, nó chắc rằng ông già đi ăn sáng đâu đó rồi sẽ trở về. Nhưng chờ mãi, chờ mãi vẫn không thấy ông ta trở lại. Nó muốn chờ ông ta trở về, như lời chú Quảng dặn, xem có gì khác thường không. Nó thất vọng. Một người đàn ông rời khỏi căn buồng mình vào sáng sớm. Ông ta khóa cửa lại rồi xuống cầu thang. Tất cả những chuyện ấy thì có gì lạ? Nhưng điều khác thường đã xảy ra. Nam không thể nghi ngờ đôi mắt mình. Nó đã nhìn thấy một cái đầu. Nam phải tin cho chú Miên, chú Quảng biết mới được.
Nam chạy đến nhà chú Miên. Chú đi vắng. Nam lên cơ quan gặp chú Quảng. Nó sải bước như có ai đuổi, nó muốn gặp chú Quảng mau mau. Bởi vì nó nóng ruột. Nó nghĩ đến Hùng Lé. Nam nghĩ về Hùng Lé từ hôm qua đến giờ, có lẽ vì thế mà nó nhìn gà hóa cuốc chăng? Gặp chú Quảng thì Nam phải nói thật với chú những điều nó nghĩ mới được.
Chú Quảng đi vắng, một chú đưa Nam vào phòng của mình. Chú hỏi Nam:
– Cháu là Nam phải không?
– Đúng ạ.
– Chú Quảng có nhờ chú chuyển cho cháu một lá thư. Đây, cháu đọc đi.
Chú rút trong ngăn kéo ra một chiếc phong bì, dán lại hẳn hoi, Nam lấy lá thư ra. Thư viết:
Cháu Nam của chú! Không ngờ chú cháu ta phải chia tay đột ngột và chú không còn thì giờ để gặp cháu nữa. Chú phải đi công tác xa, vừa xa vừa lâu, chưa biết còn có dịp trở lại Hải Phòng gặp cháu nữa không.
Chú chỉ buồn vì phải chia tay cháu mà chưa được gặp bố cháu. Chú đã định bụng về quê cháu chơi một hôm. Đành khất cháu vậy. Việc buồn thứ hai, như cháu đã biết đấy, chú chưa đủ thời giờ tìm ra Hùng Lé. Vụ Sáu Xồm coi như đã đóng lại rồi, chúng nó sẽ ra tòa nay mai. Nhưng riêng chú, chú muốn tìm ra Hùng. Nếu như Hùng đúng là con của chú Bình thì sao? Gặp được nó, lòng chú đỡ ân hận.Vậy mà chú phải đi ngay. Chú nghĩ là cháu có thể giúp chú tìm Hùng. Cháu có thể ở lại thành phố với bố một thời gian nữa không? Tất nhiên không thể qua vụ hè này bởi vì cháu còn phải tựu trường vào tháng Chín. Cháu hãy cố tìm được Hùng! Chú cũng đã nhờ chú Miên và các chú khác giúp đỡ, nhưng các chú ấy quá bận. Vả lại, Hùng không còn là một đối tượng quan trọng của các chú ấy nữa. Nếu gặp được Hùng rồi (chú cầu mong cháu gặp được nó) cháu hãy dẫn nó đến chú Miên. Các việc về sau, chú Miên sẽ lo giúp. Nam thân yêu của chú! Cháu hãy kể lại mọi chuyện với bố cháu và xin bố cho ở lại. Cháu cũng đừng quên viết thư cho mẹ để mẹ khỏi lo. Chú nhờ cháu nói với bố rằng chú Quảng gửi lời thăm sức khỏe và lời yêu cầu tha thiết cho cháu ở lại. Chú tin rằng cháu sẽ thành công nhờ vào sự thông minh, tấm lòng tốt của cháu. Và nhờ có những sự tình cờ ít ai ngờ đến nữa.
Đến chỗ công tác mới, chú sẽ gửi địa chỉ và viết thư cho cháu.
Nam rơm rớm nước mắt:
– Chú Quảng đi từ bao giờ ạ?
– Cách đây hai tiếng rồi. Được lệnh là chú ấy sắp xếp ba lô, lên xe đi ngay.